Từ ngày 03/9, thực hiện cấp phát thẻ đi chợ cho nhân dân trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột

Thứ Tư, 01-09-2021 / 11:26:18 Sáng
589 Lượt xem

Chiều 01/9/2021, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành Công văn số 3963/UBND-VP về việc cho phép các hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố.

Nội dung cụ thể công văn nêu rõ: Từ ngày 03/9/2021, đối với các phường, xã đã hoàn thành việc tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên SAR-CoV-2 toàn dân trên địa bàn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột giao UBND phường, xã (trừ xã Cư Êbur) thực hiện cấp phát thẻ đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (theo mẫu) cho nhân dân trên địa bàn với tần suất suất 03 ngày đi chợ 01 lần để mua sắm lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu được quy định tại Công văn số 7232/UBND-KT, ngày 03/8/2021 của UBND Tỉnh. Thẻ đi chợ cho phép chọn một trong các chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhà trên địa bàn phường xã nơi cư trú. Khi phát hành thẻ đi chợ, UBND các phường, xã phải ghi rõ ngày tháng được đi chợ, bảo đảm tần suất, luân phiên giữa các hộ gia đình; chỉ phát mỗi đợt 2 thẻ/6 ngày, yêu cầu người dân tự điền thông tin: họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại vào thẻ trước khi đi chợ và đảm bảo thẻ tên người nào thì người đó đi, không cử người khác đi thay (có mẫu thẻ gửi kèm).

Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu; chuẩn bị các gói hàng đóng sẵn (combo) để người dân lựa chọn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình bán hàng trực tuyến. Bố trí nhân viên trực, chốt trước các cổng chợ, siêu thị, cửa hàng (quy định lối vào, lối ra). Tại cổng vào: Người dân đi chợ thực hiện rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Sau đó đến bàn đăng ký, nộp thẻ vào chợ, siêu thị, cửa hàng và khai báo y tế. Nhân viên trực cổng có trách nhiệm kiểm tra thông tin trên thẻ phải trùng khớp với giấy tờ tùy thân của người đi chợ thì mới cho vào chợ, siêu thị, cửa hàng; cắt thẻ đi chợ và giữ lại một nửa (lưu lại tối thiểu 30 ngày) và trả lại một nửa cho người đi chợ để trình cho cơ quan chức năng khi được kiểm tra.

UBND thành phố giao các phòng chức năng, UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định nêu trên đối với các chợ, siêu thị, cửa hàng và người đi chợ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND các phường, xã chỉ đạo các tiểu thương kinh doanh tại chợ trong thời gian thực hiện giãn cách, chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và phải có sổ nhật ký bán hàng, trong đó, ghi đầy đủ thông tin khách hàng: Họ tên, số điện thoại, thời điểm giao dịch (giờ, phút, ngày, tháng, năm). Khuyến khích các siêu thị, cửa hàng và tiểu thương tại chợ thực hiện kinh doanh bằng hình thức trực tuyến. Giao Ban quản lý các chợ, Quản lý các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung này.

Từ ngày 03/9/2021, đối với các khu vực chưa hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh SAR – CoV-2 cho người dân thì không được cấp thẻ đi chợ cho đến khi có thông báo mới.

Cho phép các hãng Taxi trên địa bàn Thành phố được phép hoạt động không quá 30% tổng số phương tiện của đơn vị. Các phương tiện taxi hoạt động phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch như: Lập danh sách 30% xe đăng ký hoạt động theo biển kiểm soát gửi về UBND Thành phố; Lái xe phải có xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 (Giấy xét nghiệm trong vòng 72 giờ); bắt buộc thực hiện khai báo y tế điện tử qua các phần mềm: tokhaiyte.vn, Vietnam Health Declaration, Bluezone hoặc Ncovi; Phương tiện phải được khử khuẩn hàng ngày; Chỉ chở 1 người/xe 4-5 chỗ và tối đa 2 người/xe 7-9 chỗ; lập danh sách hành khách với thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thời gian, địa điểm di chuyển. Từ chối vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định; Người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế điện tử (trường hợp hành khách không sử dụng điện thoại thông minh thì lái xe thực hiện khai báo điện tử “khai hộ” cho hành khách; trường hợp không thực hiện được thì áp dụng hình thức khai báo giấy và lưu lại tờ khai).

Đối với việc kiểm soát người và phương tiện ra vào Thành phố: Cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhà ở các huyện, thị xã đi làm việc tại Thành phố và ngược lại  thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho đến khi có thông báo mới; Chỉ giải quyết cho các phương tiện và người ra vào Thành phố trong các trường hợp cấp thiết như cấp cứu hoặc xe vận chuyển hàng hóa thuộc tuyến “luồng xanh” có mã quét QR-Code theo quy định đang vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19…; tài xế và phụ xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ (các trường hợp đã tích hợp trong mã QR không phải xuất trình).

Cho phép nông dân được đi làm nương, rẫy, vận chuyển thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cung đường từ nhà đến trang trại và ngược lại (giao UBND các phường, xã xác đi lại), chỉ được phép đi lại trong trường hợp cần thiết, đối với trang trại, nương rẫy đủ điều kiện sinh hoạt yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”. Các trường hợp chăn thả gia súc chỉ được phép chăn thả khu vực thuộc địa bàn phường, xã nơi cư trú và đảm bảo yêu cầu 5K và không để gia súc đi vào khu vực dân cư. Các hoạt động nêu tại mục này người dân trong khu vực đang phong tỏa không được phép thực hiện.

Bổ sung cho phép hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Các Trung tâm đăng kiểm chịu trách nhiệm sắp xếp giảm thiểu cán bộ, nhân viên làm việc hàng ngày; cấp giấy đi lại theo đúng phương án “1 cung đường 2 điểm đến” và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu cấp sai và sử dụng sai giấy đi lại cho người lao động; Thương lái thu mua nông sản được phép đi lại với điều kiện như đăng ký với UBND phường xã để được cấp giấy đi lại; Có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; Nếu vận chuyển nông sản bằng xe cơ giới phải mã quét QR-Code theo quy định.

Đề nghị các ngân hàng, văn phòng công chứng, phòng giao dịch: Bố trí, phân công nhân viên phục vụ nhu cầu của người dân tại nhà để đảm bảo cung ứng kịp thời các dịch vụ cần thiết cho người dân; Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch được phép thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” trong quá trình mua sắm lương thực, thực phẩm và cung cấp suất ăn.

Các đối tượng đang uống methadone để điều trị cai nghiện ma túy hàng ngày được đi uống methadone mỗi ngày 1 lần theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến” và phải xuất trình Thẻ do do Trung tâm MMT Việt Nam có mã vạch tại Buôn Ma Thuột cấp (giao UBND các phường, xã cấp giấy đi lại, quản lý, giám sát về thời gian, cung đường của đối tượng này).

Đối với nhân viên chào hàng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thuộc tất cả các công ty, doanh nghiệp… chưa được phép đi lại hoạt động.

Giao Tổ thường trực phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc UBND các phường, xã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang áp dụng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, tuần tra, kiểm soát tất cả các thời gian (không kể ngày nghỉ lễ, thứ bảy, chủ nhật hoặc ban đêm, chú ý vào sáng sớm và buổi trưa) nhằm hạn chế tối đa người dân ra đường không có lý do chính đáng và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm việc kiểm tra giấy đi đường, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích, đi sai địa điểm. /.

Phòng Truyền thông