Hưởng ứng chiến dịch “Vùng an toàn cho Voi”

Thứ Hai, 11-07-2022 / 2:04:34 Sáng
830 Lượt xem

Sử dụng, buôn bán trái phép ngà voi, sản phẩm từ ngà voi nói riêng và động vật hoang dã nói chung không chỉ gây tổn hại đến nền đa dạng sinh học của đất nước, gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền đa dạng sinh học và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Ngày 30/5/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 4390/UBND-NNMT về việc triển khai hoạt động nhằm giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi; đồng thời trên cơ sở đề xuất của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tại Văn bản số 461/2022/ENV ngày 24/6/2022 về việc hợp tác Chiến dịch truyền thông ngăn chặn hoạt động mua bán các sản phẩm từ ngà voi; ngày 08/7/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Văn bản gửi các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở triển khai đề xuất của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) trong việc hợp tác Chiến dịch truyền thông ngăn chặn hoạt động mua bán các sản phẩm từ ngà voi, thực hiện hoạt động truyền thông Chiến dịch “Vùng an toàn cho voi”

Các tình nguyện viên ENV lắp đặt standee của chiến dịch

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) nước ta vẫn bị đánh giá là quốc gia tiêu thụ ngà voi, các sản phẩm từ ngà voi và động vật hoang dã lớn. Việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã đã và đang được tăng cường đáng kể qua các năm. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của cơ quan chức năng cũng như thái độ không khoan nhượng đối với tội phạm động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xử lý được 5 vụ vi phạm động vật rừng, tịch thu 17 cá thể. Theo ông Hưng, thời gian qua, đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở, nhà hàng, khách sạn, các gian hàng bán đồ lưu niệm… Qua đó, yêu cầu các cơ sở cam kết không tiêu thụ, bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: trang sức, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm trưng bày… “Đối với các nhà hàng, quán nhậu, chúng tôi yêu cầu cam kết không bán thịt động vật hoang dã. Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Hưng khẳng định.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật hoang dã và quản lý bảo vệ rừng tỉnh cho biết, ngoài chức năng bảo tồn voi, quản lý bảo vệ rừng, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện cứu hộ, chữa trị, chăm sóc các cá thể động vật hoang dã bị thương, mồ côi, phục hồi chức năng và thả về tự nhiên. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tiếp nhận động vật hoang dã là tang vật vi phạm hoặc vật chứng của vụ án do cơ quan chức năng chuyển sang, nhằm đảm bảo việc chăm sóc, hạn chế tối đa việc động vật hoang dã bị chết. “Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành mà cần sự chung tay của toàn dân. Người dân cần nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã như: ngà voi, lông đuôi voi, thịt động vật hoang dã, sừng tê giác…”, ông Phước nhấn mạnh (SGGP)

Là hoạt động nằm trong chiến dịch Chiến dịch “Vùng an toàn cho Voi” của ENV, thời gian đến,các tình nguyện viên của ENV sẽ đến các cơ quan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trường ĐH Tây Nguyên và ĐH Buôn Ma Thuột để tiến hành đặt những tấm standee với thông điệp ngăn chặn hoạt động mua bán các sản phẩm từ ngà voi. Hi vọng thông điệp tốt đẹp này sẽ được lan tỏa đến đông đảo mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Để bảo vệ loài voi khỏi nạn thảm sát lấy ngà, hãy nói không với việc mua bán các sản phẩm từ ngà voi.

Mọi công dân, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

Đăng ký tham gia mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã tại đây

Phòng Truyền thông