Chiều ngày 25/7/2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp để đánh giá kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và phương hướng, kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.
Tham dự cuộc họp có thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ giúp việc về chuyển đổi số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 251/QĐ-SNN ngày 21/2/2022. Đồng chí Nguyễn Hoài Dương-UVBTV tỉnh ủy, Giám đốc, trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Sở, Lãnh đạo Sở, sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban ngành và các đơn vị có liên quan, hoạt động chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của ban chỉ đạo Chuyển đổi số, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Sở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với 23 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đã kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Sở gồm 22 thành viên do đồng chí Giám đốc Sở làm trưởng Ban chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động và xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các văn bản gửi đến các phòng, đơn vị trực thuộc để chỉ đạo điều hành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số như tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên môi trường mạng, triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch, thanh toán sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia…
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm; 100% các đơn vị trực thuộc có hệ thống mạng LAN, có kết nối internet tốc độ cao; 100% công chức, viên chức được trang bị máy tính làm việc kết nối internet cáp quang, mạng nội bộ. Bên cạnh đó, Sở đang sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung của Tỉnh để quản lý văn bản đến, văn bản đi; Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thông qua hệ thống chính quyền điện tử của Tỉnh; các đơn vị đều có WEBSITE riêng; hệ thống thông tin chuyên ngành: Phần mềm Kế toán, phần mềm BHXH…
Với ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số và chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, tỉnh về vấn đề này; trong 6 tháng cuối năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số của Sở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số phải chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Rà soát, nâng cấp trang thiết bị và máy tính để đảm bảo phục vụ có hiệu quả trong công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
– Nghiên cứu, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thực về chuyển đổi số ngành nông nghiệp cho cán bộ, công chức viên chức thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
– Tham mưu xây dựng Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục đích kiến tạo hành lang pháp lý, tạo bệ phóng để chuyển đổi số đồng bộ trong toàn ngành cũng như tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân;
– Nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành để tạo ra nguồn tài nguyên số phục vụ chuyển đổi số;
– Xây dựng Đề án xây dựng hệ thống mã số vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030.
– Xây dựng phần mềm CSDL quản lý thủy sản kết quả mẫu phân tích quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản; cảnh báo về môi trường nước.
– Xây dựng phần mềm CSDL quản lý rừng, giao khoán, khai thác, chế biến lâm sản gỗ và ngoài gỗ.
– Triển khai thuê Ứng dụng phần mềm AutoAgri trong lĩnh vực Trồng trọt và BVTV
– Xây dựng Hệ thống thông tin CSDL quản lý hợp tác xã, trang trại, làng nghề, ngành nghề nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp và bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.
– Xây dựng CSDLvà phần mềm quản lý về đập, hồ chứa thủy lợi và hệ thống tưới, tiêu thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
– Xây dựng Ứng dụng GPS phục vụ công tác quản lý, giám sát, điều tra, nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái rừng và giải pháp bảo tồn bền vững quần thể Voi hoang dã tại Đắk Lắk.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng, chống thiên tai.
– Xây dựng phần mềm chấm điểm và quản lý sản phẩm OCOP của tỉnh. Triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh.
– Triển khai thực hiện các thủ tục thuê máy chủ theo quy định để đưa phần mềm quản lý ngành hàng cà phê của tỉnh và phần mềm quản lý ngành hàng thủy sản của tỉnh vào vận hành theo ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 107/DAKLAKIOC-HT ngày 27/06/2022.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cùng trao đổi về những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm; những hạn chế trong việc triển khai, đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị, đồng chí Đồng chí Nguyễn Hoài Dương-UVBTV tỉnh ủy, Giám đốc, trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Sở Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí đánh giá những kết quả đạt được về chuyển đổi số 6 tháng đầu năm. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung về chuyển đổi số; phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi số của ngành; phối hợp với các ngành liên quan xem xét để triển khai các dự án về chuyển đổi số. Đồng chí đề nghị các đơn vị chủ động bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của đơn vị mình; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá về hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để chuyển đổi số mang lại hiệu quả tích cực;…
Phòng Truyền thông