Ngày 05/8/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 2452/KH–SNN về giảm thiểu, thu gom, phâm loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.
Hiện nay, chất thải nhựa đã và đang trở thành thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng. Việc sử dụng vật liệu nhựa cho phát triển sản xuất dẫn tới lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Do vậy, nhằm phòng, tránh tác hại của chất thải nhựa, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và phổ biến, tuyên truyền tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hạn chế tối đa sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 2452/KH–SNN nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, toàn thể công chức trong ngành nông nghiệp và các tổ chức các nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trách nhiệm nâng cao nhận thức về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt đối với kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Đồng thời phát động các phong trào, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, cơ quan, công sở trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Kế hoạch, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 đến 2025, riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được thối thiểu 10% chất thải nhựa. Giai đoạn 2026 đến 2030, giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trong đó đối với lĩnh vực lâm nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất giống cây lâm nghiệp và các hoạt động lâm nghiệp khác có liên quan, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện các giải pháp quản lý, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa tại địa phương./.
Tin: Minh Đức – Phòng Truyền thông.