Chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk – 10 năm nhìn lại

Thứ Ba, 21-03-2023 / 1:52:15 Sáng
821 Lượt xem

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2013, là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng khi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị ủy thác chi trả DVMTR, ngày 23/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Ban biên tập trang Thông tin điện tử Quỹ tỉnh trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Minh Chí, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 1687/QĐ-UBND ngày 01/8/2012 của UBND tỉnh. Hiện nay, Quỹ tỉnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, có chức năng huy động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Sau khi được thành lập, năm 2013 chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trải qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chính sách chi trả DVMTR được coi là bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp tỉnh, tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là những hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên; góp phần xã hội hóa nghề rừng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế còn góp phần phát triển rừng bền vững, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, lưu giữ và cung cấp nguồn nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Giai đoạn 2012-2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký 45/52 hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (Số Hợp đồng ủy thác còn phải ký là 07 hợp đồng của các cơ sở sản xuất công nghiệp, Quỹ tỉnh đang tiếp tục đàm phán với các đơn vị để tổ chức ký kết theo quy định) và thu đạt 733.544 triệu đồng (đạt 119% so với kế hoạch), bao gồm Quỹ Việt Nam điều phối là 659.465 triệu đồng, chiếm 89,9%; thu nội tỉnh là 69.094 triệu đồng, chiếm 9,4% và lãi ngân hàng 4.984 triệu đồng, chiếm 0,7%.

Đã thực hiện chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được Nhà nước giao đất, giao rừng và UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với tổng số tiền đã giải ngân hơn  732.349 triệu đồng, đạt 100,8% so với kế hoạch chi, trong đó: Chi cho các bên cung ứng DVMTR là 650.050 triệu đồng (bao gồm cả nguồn dự phòng), chiếm 88,8%; chi cho hoạt động quản lý của Quỹ tỉnh là 73.215 triệu đồng, chiếm 10%; chi khác là 9.084 triệu đồng, chiếm 1,2%.

Nguồn chi trả tiền DVMTR hàng năm trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 209.000 ha rừng trong các lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm tỷ lệ khoảng 41,1% tổng diện tích rừng hiện có), làm giảm số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2015-2022, Quỹ tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan rà soát quỹ đất trống tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho các đơn vị đủ điều kiện, qua đó kịp thời giải ngân nguồn tiền trồng rừng thay thế để thực hiện trồng 327,2 ha rừng, trong đó: Rừng sản xuất là 112,69 ha (chiếm 34,4%); rừng phòng hộ là 77,64 ha (chiếm 23,8%); rừng đặc dụng là 136,87 ha (chiếm 41,8%).

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách chi trả DVMTR, đồng thời chi trả DVMTR là một chính sách mới, nên Quỹ tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là các bên cung ứng và sử dụng DVMTR, người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong việc thực hiện Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2022 thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong giai đoạn 2012-2022, Quỹ tỉnh đã phát hành là 38.500 tờ rơi, tờ gấp; 250 Sổ tay tuyên truyền; 61.160 vở học sinh, 15.110 mũ (lưỡi trai, tai bèo); 206 paner, poster, băng rôn; 90 bảng tuyên truyền; 450 cặp học sinh; 100 áo thun; 200 cái dù và nhiều sản phẩm truyền thông khác; đã đăng tải lên Trang thông tin điện tử Quỹ tỉnh 583 tin bài với 726.085 lượt truy cập; thực hiện 40 Chương trình “Chính sách chi trả DVMTR đồng hành cùng học sinh đến trường” tại 36 điểm trường của 8 huyện trên địa bàn tỉnh để truyền thông về chi trả DVMTR đến các em học sinh. Với sự đa dạng trong công tác truyền thông, đến nay chi trả DVMTR đã thực sự lan toả sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chi trả DVMTR đã trở thành một chính sách quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện ngày càng hiệu quả, chất lượng, thúc đẩy mọi người thuộc mọi tầng lớp, mọi độ tuổi tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng.

 Công tác kiểm tra, nghiệm thu, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR giai đoạn 2012-2022 được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước; Quỹ tỉnh đã tổ chức, triển khai được 904 đợt kiểm tra, giám sát (có 577 đợt kiểm tra của các đoàn do Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập và 327 đợt kiểm tra của các đoàn do Quỹ tỉnh thành lập), nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu tập trung vào: công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR và hoạt động trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ; việc nộp tiền chi trả DVMTR; công tác quản lý, bảo vệ rừng cung ứng DVMTR. Qua kiểm tra, giám sát, nhìn chung các đơn vị đều thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Tuy nhiên, vẫn còn một số các bên cung ứng DVMTR còn những tồn tại, hạn chế và thiếu sót như: việc rà soát diện tích rừng cung ứng DVMTR hàng năm; việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR; công tác chi trả tiền DVMTR cho hộ nhận tiền khoán bảo vệ rừng;… Sau khi được kiểm tra, hướng dẫn, các đơn vị đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Đến nay, đa phần các đơn vị được kiểm tra đã triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chi trả DVMTR theo đúng quy định hiện hành.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR là nhiệm vụ thường xuyên nhằm đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và giải pháp đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả; tăng cường theo dõi, rà soát công nợ tiền chi trả DVMTR và tiền trồng rừng thay thế; tổ chức các đợt làm việc để đối chiếu công nợ, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh thực hiện đúng các quy định. Đến nay, các cơ sở sử dụng DVMTR đã kê khai, nộp tiền DVMTR và tiền trồng rừng thay thế về Quỹ tỉnh tương đối đầy đủ; nợ đọng tiền DVMTR đã giảm đáng kể.

Trồng cây phân tán đã mang lại nhiều giá trị thiết thực như tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực được các cấp, các ngành, nhân dân quan tâm và hưởng ứng tham gia. Trong các năm từ 2017 đến 2022, Quỹ tỉnh đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức hỗ trợ trồng phân tán được 140.589 cây Sao đen trên địa bàn 13/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Số lượng cây sinh trưởng và phát triển tốt là 125.643 cây, đạt tỷ lệ là 89,4%.

Năm 2020, Quỹ tỉnh đã hỗ trợ 34.705 cây (trong đó: 3.355 cây Sao đen và 31.350 cây Thông ba lá) để trồng 25,1 ha rừng cảnh quan tại Thị xã Buôn Hồ và huyện Ea H’leo nhằm mục đích phục hồi rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên.

Hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ huy động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tiền do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp để thực hiện việc trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh. Đến nay số tiền đã huy động được 192,14 triệu đồng của 42 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ; đã giải ngân được 149,3 triệu đồng để mua cây xanh tổ chức Lễ phát động trồng cây nhân dịp kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT. Số tiền còn lại Quỹ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu triển khai việc trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh như: diện tích rừng được ổn định và ngày càng phát triển; tháo gỡ phần nào khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm theo từng năm; tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, các UBND xã, thị trấn và được chi trả tiền DVMTR hàng năm, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn theo chiều hướng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm hại. Thông qua việc triển khai chính sách đã góp phần chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế.

Những tác động nêu trên cho thấy, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng nói chung và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, từ đó thúc đẩy người dân tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại các địa phương trong tỉnh. Những đồi núi trọc đang được hồi sinh, những cánh rừng nguyên sinh đang được giữ vững đã và đang có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, người lao động đang công tác tại Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk.

Có thể nói chính sách chi trả DVMTR là chính sách đúng đắn nên nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp. Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan và sự phối hợp tốt với các đơn vị có cung ứng DVMTR, đơn vị có sử dụng DVMTR trong việc thu, nộp tiền DVMTR; sau 10 năm triển khai thực hiện, chi trả DVMTR đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, khẳng định là hướng đi đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống, tạo nên một nguồn lực tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững cũng như tiếp tục hỗ trợ ngành Lâm nghiệp tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng theo chiều hướng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và người dân sống ở gần rừng.

Nguyễn Minh Chí

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và PTR tỉnh