Ngày 05/5/2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ký ban hành văn bản số 1492/SNN-VP gửi các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội; UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột; các Phòng, Chi cục, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở hưởng ứng tham gia cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thể lệ cuộc thi xem tại đây
Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp, sáng kiến có tính đổi mới, sáng tạo, đột phá, mạnh mẽ, quyết liệt, khả thi và phù hợp để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Để cuộc thi được thành công và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên… Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội; UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột; các Phòng, Chi cục, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện, phổ biến thông tin, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia hưởng ứng Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030” cụ thể như sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thể lệ cuộc thi số 1491/TL-BTC ngày 05/05/2023 của Ban Tổ chức Cuộc thi một cách rộng rãi đến các đối tượng dự thi được biết, tham dự.
2. Hướng dẫn, khuyến khích, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị tham gia Cuộc thi, cụ thể:
a) Nội dung dự thi: Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến có tính đổi mới, sáng tạo, đột phá, mạnh mẽ, quyết liệt, khả thi và phù hợp để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung vào một số nội dung chính sau:
– Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tư duy đầy đủ, sâu sắc về kinh tế nông nghiệp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân để cụ thể hóa vào thực tế, thực tiễn nhằm thay đổi nhận thức từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá sản phẩm đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
– Về cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
– Về rà soát, đánh giá và đề xuất sắp xếp lại các yếu tố trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương từ: quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quy mô, giống mới, dây chuyền công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, các loại dịch vụ đầu vào, đầu ra và thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành tố phải tăng cường bổ sung phối hợp chặt chẽ để tạo sự liên kết, đồng bộ, tạo hiệu quả cao nhất.
– Về đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể: Mô hình tổ chức liên kết hợp tác phù hợp của người nông dân (nhất là Hợp tác xã) để đem lại hiệu quả cao.
– Về chính sách, giải pháp, khuyến khích, thu hút Doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến Nông lâm thủy sản, liên kết hợp tác với nông dân, HTX có hiệu quả…
– Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
– Giải pháp trong đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp có hiệu quả.
– Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lãnh đạo, tổ chức và triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
– Các nội dung khác có liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Đối tượng dự thi:
Các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên…. trên địa bàn toàn tỉnh (trừ thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc, Ban Giám khảo, Tổ thư ký của Cuộc thi)
c) Hình thức dự thi
Hình thức dự thi dưới dạng bài viết (viết tay hoặc đánh máy) của cá nhân hay nhóm tác giả về giải pháp, sáng kiến trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030. Đối với các bài dự thi về ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thì ngoài bài viết thì cần gửi kèm đĩa CD lưu trữ phần mềm ứng dụng, video hướng dẫn (yêu cầu chi tiết về bài dự thi tại quy định cụ thể tại Thể lệ cuộc thi đính kèm).
d)Thời gian, địa chỉ nhận bài dự thi
Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 15/05/2023 đến ngày 14/10/2023 (đối với những bài dự thi gửi theo đường bưu điện thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện). Thời gian dự kiến công bố kết quả cuộc thi và trao giải thưởng: 11/2023
Địa chỉ nhận bài dự thi: Bài dự thi gửi về Văn phòng Sở – Sở Nông nghiệp và PTNT – Số 47 đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
e) Cơ cấu Giải thưởng
Cá nhân hay nhóm tác giả được Ban tổ chức cuộc thi cấp Giấy chứng nhận kèm theo tiền thưởng, cụ thể như sau:
– 01 giải Nhất: 20.000.000 đồng/giải
– 03 giải Nhì: 10.000.000 đồng/giải
– 05 giải Ba: 5.000.000 đồng/giải
– 10 giải Khuyến khích: 2.000.000 đồng/giải
Thông tin chi tiết về Cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT tại địa chỉ: http://www.nnptnt.daklak.gov.vn. Mọi thắc mắc cần được hỗ trợ, đề nghị liên hệ ông Bùi Phương Nam – Trưởng phòng Kế hoạch, tài chính, thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi, số điện thoại: 0905.551.422 hoặc bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chánh Văn phòng Sở, Tổ phó Tổ giúp việc BTC cuộc thi, số điện thoại 0983.434312./.
Trần Minh Đức, phòng Truyền thông