Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc tại Sở Nông nghiệp và PTNT

Thứ Năm, 11-05-2023 / 7:15:23 Sáng
428 Lượt xem

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở, ban, ngành, địa phương, theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 11/5/2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ký ban hành văn bản số 1555 /SNN-VP yêu cầu các phòng Chuyên môn, các chi cục, đơn vị trực thuộc Sở quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, nhìn chung các phòng, chi cục, đơn vị trực thuộc Sở có nhiều nỗ lực, phát huy được tinh thần chủ động, tích cực, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh nói chung, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, gần đây có tình trạng một số đơn vị và một số bộ phận công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền… làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Để nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Trưởng các phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

  1. -Tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại phòng, đơn vị thuộc thẩm quyền, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan cấp trên, nhất là cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm theo tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
  2. -Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với công chức, viên chức năng lực yếu, không làm, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
  3. -Trường hợp để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, làm chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.
  4. -Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các phòng, đơn vị, công chức, viên chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
  5. -Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của Sở, của tỉnh. Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của đơn vị. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Sở, Giám đốc Sở những công việc thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ trưởng các đơn vị theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Sở, Giám đốc Sở và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
  6. -Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền phòng, đơn vị mình sang phòng, đơn vị khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của phòng, đơn vị khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
  7. -Khi giải quyết công việc, Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Thủ trưởng đơn vị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan, đơn vị không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, có chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định của Quy chế làm việc của UBND tỉnh, của Sở. Cơ quan, đơn vị lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và cơ quan, đơn vị không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Sở, Giám đốc Sở.
  8. -Đối với các hồ sơ công việc, chương trình, đề án các phòng, đơn vị tham mưu cho Lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh còn ý kiến khác nhau giữa các sở, ban, ngành về những nội dung chủ yếu, thì Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động đề xuất tham mưu làm việc trực tiếp với Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Lãnh đạo Sở ký trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND.

Yêu cầu Trưởng các phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công văn này, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh và Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến từng đơn vị, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong đơn vị, công chức, viên chức rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.

Hồ Thị Hồng, phòng Truyền thông