Buổi sinh hoạt ngoại khóa ý nghĩa tại Trường PTDT Bán trú THCS Võ Nguyên Giáp – xã Cư Króa, huyện M’Đrắk

Thứ Tư, 20-09-2023 / 1:31:02 Chiều
4564 Lượt xem

Xã Cư Króa, huyện M’Đrăk là xã đặc biệt khó khăn, diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng trồng rất lớn; các khu vực trũng chỉ canh tác một vụ các loại cây ngắn ngày. Hơn 10 năm trước, người dân ở đây đã trồng rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp, đến nay, việc trồng rừng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.

Xã Cư Króa có nhiều người H’Mông từ vùng miền núi phía Bắc di cư đến sinh sống, chiếm trên 40% dân số toàn xã. Trước đây người dân đã quen làm nông nghiệp. Đối với người H’Mông cũng như nhiều dân tộc thiểu số thì đất canh tác là tư liệu sản xuất không thể thiếu nhằm sản xuất ra lương thực, giải quyết nhu cầu thiết yếu của con người là cái ăn. Bởi vậy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến di cư tự phát là do đời sống khó khăn, cuộc sống đói nghèo, họ phải rời bỏ nơi ở cũ đến nơi có đất đai màu mỡ hơn để mưu sinh.

Đồng bào di cư nói chung có nhiều yếu tố tích cực trong việc phân bổ lại dân cư, bổ sung cho các địa phương một lực lượng lao động dồi dào để phát triển kinh tế, đồng thời cũng mang đến nhiều bản sắc văn hoá vùng miền, làm tăng thêm vốn văn hoá đa dạng, phong phú góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tình trạng di cư tự phát cũng mang lại nhiều bất cập, nhất là gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương…. Nghiêm trọng hơn đó là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất, dù đã được chính quyền vận động, tuyên truyền nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều hộ đồng bào tiếp tục vào sâu trong rừng phá rừng tự nhiên trái phép, lấy đất làm nương rẫy. Mấy năm gần đây chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện để cử cán bộ tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng nên tình trạng phá rừng tự nhiên lấy đất làm nương rẫy trên địa bàn hầu như không còn nữa, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Do đó việc tuyên truyền giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào H’Mông nói riêng mà đặc biệt là cho đối tượng học sinh  như chặt phá rừng, sang nhượng đất rừng trái phép, chống đối hành hung cán bộ thi hành công vụ…là hành vi vi phạm pháp luật. Để cùng góp phần vào công việc chung nói trên, ngày 20/9/2023 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trường PTDT Bán trú THCS Võ Nguyên Giáp – xã Cư Króa, huyện M’Đrắk tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa lồng ghép thực hiện truyền thông “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng học sinh đến trường”. Đây là trường có rất nhiều con em đồng bào H’Mông hiện đang theo học.

Cùng đến tham dự buổi truyền thông có đại diện lãnh đạo: Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp M’Đrắk, Hạt Kiểm Lâm M’Đrắk, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện M’đrắk.

Tại buổi truyền thông, với các tiết mục văn nghệ sôi động do thầy cô và các em học sinh của trường và các anh chị Đoàn viên thanh niên Quỹ tỉnh biểu diễn; vẽ tranh tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường….đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh; đặc biệt vở kịch ngắn tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng do Quỹ tỉnh biên soạn được thầy cô và các em thể hiện rất thành công.

Cũng trong buổi truyền thông, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã trao tặng 270 phần quà gồm vở, mũ cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập. Trong các cuốn vở, mũ này, có nhiều thông điệp bảo vệ rừng được in đậm, rõ, màu sắc sinh động, bắt mắt. Thông qua các thông điệp này sẽ giúp các em, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng và chúng ta hãy chung tay bảo vệ rừng vì rừng rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta.

Quỹ BV&PTR Đắk Lắk