Hội nghị tập huấn Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT và Thông tư 04/2018/TT-BTC

Thứ Hai, 25-06-2018 / 8:34:52 Sáng
1511 Lượt xem

Ngày 29/6/2018, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 04/2018/TT-BTC ngày 17/01/2018 của Bộ Tài chính cho các chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng có cung ứng DVMTR.

           Một số hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk

          1. Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và sẽ thay thế Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư số 62/2012/TT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số nội dung hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực đó là điều 4 Thông tư số 20/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư 38/2007/TT-BNNNT, 78/2011/TT-BNNPTNT,25/2011/TT-BNNNTT,47/2012/TT-BNNPTNT, 80/2011/TT-BNNPTNT, 99/2006/TT-BNN

Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT có 06 Chương và 20 điều quy định những nội dung rất chi tiết hướng dẫn xác định tiền DVMTR; hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR, kế hoạch thu, chi; xác định diện tích để chi trả tiền DVMTR; miễn giảm tiền DVMTR theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-VP và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP.

Thông tư cũng đã bổ sung 02 đối tượng là Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức chính trị – xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của Nghị định 147/2016/NĐ-CP.

Cũng theo Thông tư này, hệ số K được xác định cho từng lô rừng chính là cơ sở để tính toán mức chi trả DVMTR cho bên cung ứng. Hệ số K được tính bằng tích của các hệ số K thành phần, gồm hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo trữ lượng; Hệ số K2 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo mục đích sử dụng; Hệ số K3 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo nguồn gốc hình thành rừng và Hệ số K4 điều chỉnh mức chi trả theo mức độ khó khăn đối với diện tích rừng nằm trên địa bàn các xã khu vực I, II, III.

Hàng năm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh sẽ xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR theo số tiền thực thu trong năm gồm số tiền điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và thu nội tỉnh.

Thông tư cũng quy định 4 căn cứ xác định diện tích để chi trả DVMTR dựa vào kết quả tổng điều tra kiểm kê rừng, kết quả theo dõi diễn biến rừng, bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT và kết quả chi trả DVMTR của năm trước liền kề.

Đồng thời, Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT cũng rút gọn, đơn giản hóa thủ tục miễn giảm tiền DVMTR cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng . Tổ chức, cá nhân được miễn giảm 100% số tiền chi trả DVMTR trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản từ 70 – 100%; được giảm tối đa 50% số tiền chi trả DVMTR trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 70%.

2. Đối với Thông tư số 04/2018/TT-BTC ngày 17/01/2018 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP.

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 99/2010/NĐ-CP; Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 147/2016/NĐ-CP.

Theo Thông tư quy định thì chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.

Nội dung chi, mức chi  đối với chủ rừng là tổ chức không thực hiện khoán bảo vệ rừng thì số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng thực hiện theo quy định hiện hành; bao gồm: Các hạng mục công trình lâm sinh, các công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ phục vụ bảo vệ rừng; lập hồ sơ, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn…

Trường hợp chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng được trích không quá 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ nêu trên để chi cho công tác quản lý các khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm: lập hồ sơ, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị và các hoạt động khác phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đối với người tham gia thực hiện chi trả, tùy theo tình hình tài chính của đơn vị, chủ rừng quy định mức bồi dưỡng và trả tiền bồi dưỡng từ nguồn kinh phí quản lý.

Số tiền còn lại sau khi trích kinh phí quản lý được chủ rừng chi trả cho bên nhận khoán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã (nếu có), các đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng phải chịu trách nhiệm công khai danh sách đối tượng được chi trả, kế hoạch chi trả hàng quý, hàng năm theo quy chế dân chủ tại cơ sở bằng các hình thức: Niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và tại nơi họp cộng đồng dân cư thôn, bản…; Thông báo bằng văn bản; hệ thống truyền thanh của xã, thôn, bản.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05/3/2018 và áp dụng kể từ năm tài chính 2018.

Nguyễn Dân Giang, Chi nhánh Krông Bông – Krông Pắk