Bất cập trong xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế

Thứ Năm, 04-06-2020 / 3:50:43 Sáng
2447 Lượt xem

Để bảo đảm công tác quản lý và phát triển rừng, tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định các chủ dự án đầu tư khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác phải “có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế”.

Đây là một trong bốn điều kiện bắt buộc khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Khoản 2 Điều 21 Luật Lâm nghiệp năm 2014 cũng quy định “trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh”.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 11 dự án cố tình chây ì, chưa hoàn thành nghĩa vụ này theo quy định của pháp luật, với số tiền lên đến gần 53 tỷ đồng chưa nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế do chưa có chế tài xử lý vi phạm.

Quy định về nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác được quy định lần đầu tiên tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6-5-2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng từ đó đến nay pháp luật không quy định chế tài xử lý vi phạm chậm nộp tiền trồng rừng thay thế. Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 5-4-2017) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và hiện nay là Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng chỉ có quy định xử phạt đối với hành vi “vi phạm quy định về trồng rừng thay thế”, mà không quy định xử phạt đối với hành vi “chậm nộp tiền trồng rừng thay thế”.

Trồng rừng trên địa bàn huyện M'Đrắk. Ảnh minh họa: Tiến Ninh

Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác có thể được xem là sự bổ sung, bù đắp kịp thời cho diện tích rừng bị mất do chuyển đổi mục đích, bảo đảm giữ ổn định môi trường sinh thái, duy trì diện tích và độ che phủ của rừng. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2017 trước đây và Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25-10-2019 hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đều quy định việc trồng rừng thay thế được thực hiện dưới hai hình thức, gồm: (1) Chủ dự án tự trồng rừng thay thế; (2) Chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế để thực hiện trồng rừng trong trường hợp không có điều kiện tự trồng rừng thay thế hoặc trường hợp chủ dự án tự trồng rừng thay thế nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền.

Như vậy, pháp luật quy định hai hình thức thực hiện là trồng rừng thay thế và nộp tiền trồng rừng thay thế, nhưng hiện nay chỉ quy định chế tài xử lý đối với hành vi “vi phạm quy định về trồng rừng thay thế”, mà không quy định chế tài để xử lý đối với hành vi vi phạm “chậm nộp tiền trồng rừng thay thế”. Việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, tạo kẽ hở để các chủ dự án lợi dụng, chây ì không chấp hành việc nộp tiền trồng rừng thay thế trong khi nếu các chủ dự án lựa chọn thực hiện hình thức trồng rừng thay thế mà không chấp hành đúng sẽ bị xử phạt.

Công văn số 73/TCLN-KHTC ngày 17-1-2020 của Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn xử lý hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế như sau: “Việc các chủ dự án không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế sau khi đã được UBND tỉnh chấp thuận trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là vi phạm quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế, đề nghị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp”. Tuy nhiên, thiết nghĩ nội dung hướng dẫn nêu trên là hết sức khiên cưỡng, không phù hợp với một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là “cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” và được cụ thể hóa tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Vì vậy, việc vận dụng Điều 15 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP để xử phạt các chủ dự án không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời xem xét để sửa đổi, bổ sung bất cập này cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho các địa phương có chế tài xử lý các chủ dự án chây ì, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, tạo nguồn vốn triển khai trồng rừng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn: Đắk Lắk