Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về phòng chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị

Thứ Ba, 17-08-2021 / 7:33:29 Sáng
484 Lượt xem

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn hoạt động của các cơ quan, đơn vị; Ngày 16/8/2021, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị” kèm theo Công văn số 6666/BYT-MT.

Xem chi tiết tại đây

Cơ quan, đơn vị phải chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 

Theo đó, trong hướng dẫn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày 16/8, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 (F0), nghi ngờ mắc COVID-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) tại cơ quan, đơn vị – đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của cơ quan/ đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị phải xác định nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Các cơ quan thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch. Đồng thời thành lập các Tổ an toàn COVID của đơn vị gồm thành viên là đoàn viên công đoàn, Đoàn Thanh niên; mỗi Tổ an toàn COVID có từ 3-5 người, tổ trưởng là thủ trưởng công đoàn hoặc đoàn thanh niên.

Xây dựng Kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị phải bao gồm sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển trong đơn vị khi xuất hiện các trường hợp F0, F1, F2 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Quản lý người lao động về các thông tin gồm họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi trọ, số điện thoại; yêu cầu người lao động thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.

Trường hợp người lao động của đơn vị làm việc và lưu trú ở những địa phương khác nhau, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế/Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh của các địa phương liên quan để quản lý và theo dõi y tế đối với người lao động.

Tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người lao động đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở… và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo qui định.

Phải tạo mã QR điểm kiểm dịch COVID-19 để thực hiện quản lý người ra vào 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 của Bộ Y tế. 

Trường hợp người ra vào không thể thực hiện việc quét mã QR, thì đơn vị bố trí nhân viên kiểm soát có điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone/NCOVI) để thực hiện quét mã QR trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân hoặc được sinh ra bởi hệ thống phần mềm của người ra vào.

Tại khu vực cửa vào của đơn vị tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, khách đến làm việc phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách giữa các khách theo quy định; kiểm soát và quản lý Thẻ khách vào đơn vị; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đơn vị đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Trường hợp có nhiều đơn vị khác nhau trong cùng tòa nhà làm việc, người đứng đầu đơn vị hoặc Trưởng ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết; bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, ki-ốt, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra, vào các toà nhà.

Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị. Phòng cách ly phải đảm bảo các yêu cầu bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc (nếu có thể).

Phòng cách ly phải đảm bảo, thoáng khí, thông gió tốt; Hạn chế đồ đạc trong phòng; Có chỗ rửa tay; Có thùng đựng rác có nắp đậy kín; Có khu vực vệ sinh riêng.

Bố trí và chỉ định khu vực giao nhận tài liệu, văn phòng phẩm, hàng hoá… gần cửa ra vào đơn vị; bố trí địa điểm, trang thiết bị, nhân lực để khử khuẩn tại khu vực giao nhận hàng hoá (nếu cần thiết); hạn chế tiếp xúc giữa người giao và người nhận; yêu cầu đơn vị và người giao thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K, các yêu cầu phòng, chống dịch theo qui định và ghi lại thông tin người giao, người nhận, thời gian giao nhận hàng…

Bộ Y tế cũng hướng dẫn cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ …), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với đơn vị có bộ phận tiếp đón, làm việc với khách (lễ tân, bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính, ngân hàng, kho bạc …) phải thực hiện 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giãn cách, lắp đặt vách ngăn (nếu có thể).

Khuyến khích giảm số người làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

Đối với người lao động có nguy cơ (bộ phận lễ tân, làm việc với khách hằng ngày…), thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc bằng test kháng nguyên nhanh hoặc phương pháp RT-PCR hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động.

Đối với người lao động đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR trước và sau khi đi công tác trong vòng 3 ngày (72 giờ) tính đến thời điểm đi công tác hoặc quay lại đơn vị hoặc theo các quy định khác của BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Phương án xử lý khi có trường hợp F0

Bộ Y tế đưa ra 9 bước hướng dẫn xử lý khi phát hiện có các trường hợp F0 xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại đơn vị:

1- Kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch.

2- Thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

3- Thủ trưởng đơn vị trên cơ sở ý kiến của cơ quan y tế địa phương ra quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ đơn vị hoặc từng tầng/khu vực làm việc/phòng, ban/vị trí làm việc có F0.

4- Thông báo cho các trường hợp F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí.

5- Thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi, hướng dẫn ca bệnh di chuyển theo theo lối đi đã được phân luồng vào đến phòng cách ly tạm thời.

6- Thông báo cho đơn vị, cá nhân đã được phân công chịu trách nhiệm khoanh vùng, khử khuẩn toàn bộ khu vực có liên quan đến ca bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

7- Thông báo cho toàn thể người lao động đang có mặt tại đơn vị không tự ý di chuyển, nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.

8- Phân nhóm và bố trí riêng khu vực cho F1, F2 để chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định.

9- Sau khi thực hiện vệ sinh khử khuẩn, đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường kể từ ngày hôm sau.

Phòng Truyền thông

Nguồn: baochinhphu.vn