Cần chung tay chống “dịch” trên không gian mạng

Chủ Nhật, 25-07-2021 / 2:52:58 Sáng
545 Lượt xem

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trong khi cả xã hội đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cấp bách để thực hiện công tác phòng, chống dịch thì trên không gian mạng vẫn xuất hiện nhiều thông tin xấu, làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã phải rất vất vả để xử lý những thông tin thất thiệt xuất hiện trên mạng Internet. Qua đó cũng đã xử lý rất nhiều vụ việc, trong đó có những vụ đã xử lý hình sự đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội. Những tưởng sự quyết liệt của cơ quan chức năng sẽ khiến những người “thiếu hiểu biết”, những kẻ cố tình “thiếu hiểu biết” để gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh của đất nước, thế nhưng đến đợt bùng phát lần thứ tư này, vẫn có nhiều đối tượng bị xử lý vì vấn đề này. Đơn cử như vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối tượng P.H.Đ.A. (SN 1961) theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng P.H.Đ.A. đã thừa nhận hành vi sử dụng hình ảnh trên mạng xã hội, lồng ghép nội dung xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên tài khoản Facebook cá nhân, gây hoang mang cho người dân thành phố, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

N.T.B (xã Hoà Thắng, T.P Buôn Ma Thuột) tại cơ quan Công an, vì những sai phạm trong việc thông tin trên mạng xã hội.

Trên địa bàn Đắk Lắk, mới đây Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cũng đã triệu tập làm việc để xử lý hai trường hợp gồm: N.T.B. (SN 1988) và L.B.N. (SN 1994), cùng trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, do sử dụng không gian mạng vi phạm về trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, hai người này đã truy cập mạng xã hội Facebook, thấy danh sách những trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và danh sách những người F1, F2 ở Đắk Lắk nên chia sẻ, đăng các danh sách đó lên trang Facebook cá nhân, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Mới đây, trong Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng nhận định tình trạng tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng không những không giảm mà còn có dấu hiệu ngày càng tăng. Nội dung tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ, việc sử dụng quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương… Việc xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. 

Cùng với việc cảnh báo, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả những biện pháp ứng phó với tình trạng này như: thực hiện nghiêm quy định phát ngôn và cung cấp thông tin; kịp thời phản bác đấu tranh với luận điệu sai trái, xử lý nghiêm các vi phạm; các lực lượng tham gia phòng chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng chống dịch… Nỗ lực của các cơ quan chức năng là rất đáng ghi nhận, nhưng với đặc thù của “môi trường mạng” việc xử lý nạn tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất khó khăn. Do đó, để góp phần hạn chế vấn nạn này, mỗi người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 khi chưa được các cơ quan chức năng xác nhận. 

Phòng Truyền thông

Nguồn: Báo Đắk Lắk