Chi trả Dịch vụ môi trường rừng: Giải pháp cho môi trường xanh – sạch – đẹp

Thứ Ba, 12-06-2018 / 3:56:19 Sáng
2165 Lượt xem

Chi trả Dịch vụ môi trường rừng: Giải pháp cho môi trường xanh – sạch – đẹp

 Huỳnh Lài, phòng Truyền thông

 Các hệ sinh thái tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống và tồn tại của con người, đặc biệt là hệ sinh thái rừng. Rừng không chỉ cung cấp nguyên vật liệu như gỗ, củi cho một số ngành sản xuất mà còn giúp duy trì và bảo vệ môi trường sống, đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của xã hội mà không có chiến lược bảo vệ rừng khiến nguồn tài nguyên này đang bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong những năm gần đây, nhận thức về giá trị, vai trò của rừng ngày càng được nâng cao, đặc biệt là sự tiếp cận với những cách nghĩ mới về những lợi ích mà rừng đem lại. Đó không còn là những giá trị trừu tượng mà đã được xem là một loại hàng hoá, có thể đem trao đổi và mua bán trên thị trường. Chính vì vậy, dịch vụ môi trường rừng đã ra đời và đang trở thành một biện pháp quản lý hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích và trữ lượng rừng lớn nhất trong nước. Tuy nhiên, do nhu cầu xã hội phát triển, các biện pháp kĩ thuật hiện đại, tiên tiến trong sản xuất ngày càng được phát triển, tình trạng bùng nổ dân di cư tự do đã kéo theo hệ luỵ là phát sinh đất ở và đất sản xuất. Nên tình trạng người dân vào rừng để chặt phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất rừng trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nhiều. Tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trên địa bàn qua các năm diễn biến phức tạp, trong khi đó các ngành chức năng của Ðắk Lắk mới chỉ thu hồi được một phần diện tích để trồng lại rừng…

Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, Chi trả dịch vụ môi trường rừng được xem là cơ chế nhằm thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng các dịch vụ môi trường bằng cách kết nối người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là công cụ kinh tế yêu cầu những người được hưởng lời từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Từ chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Chi trả Dịch vụ môi trường rừng còn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường như:

Thứ nhất, phát triển cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng tất yếu đóng góp lớn vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Với sự có mặt của Chi trả DVMTR, người làm rừng là những người cung cấp hàng hoá dịch vụ môi trường, nếu dịch vụ môi trường càng tốt thì càng được trả giá cao, điều này đưa đến hệ quả là người làm rừng có trách nhiệm bảo vệ và phát triển chính hàng hoá của mình giúp hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Họ  sẽ phải tính toán và lên kế hoạch khai thác sao cho vẫn đảm bảo cung cấp được dịch vụ môi trường và vẫn thu được nguồn lợi trực tiếp từ rừng sản xuất. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy sẽ được hạn chế,  giảm diện tích đất rừng bị hoang hoá. Thay vào đó là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm phát triển rừng với diện tích ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Minh Chí-GĐ Quỹ BVPTR tỉnh phổ biến chính sách chi trả DVMTR cho người dân.  Ảnh: Vy Tuyên

Thứ hai, do rừng phát triển, động thực vật có nơi để cư trú nên DVMTR cũng góp phần duy trì và bảo vệ đa dạng sinh học. Như đã biết, Đắk Lắk có một diện tích rừng tương đối lớn và nhiều loại động thực vật quý hiếm, việc giữ gìn và bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn các loài hoang dã và duy trì hệ sinh thái hiện có. Rừng bị huỷ hoại dẫn đến có nhiều loài động vật bị chết do thiếu nơi cư trú hay mất nguồn thức ăn sẽ làm suy giảm về số lượng loài, chất lượng loài, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Thứ ba, ngoài việc đem lại các giá trị lợi ích về giữ nước, chống bồi lắng lòng hồ thuỷ điện, chống xói mòn đất, rừng còn có giá trị quan trọng trong việc giảm thiểu  cac-bon, một trong những nhân tố gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang có những giải pháp khuyến khích trồng rừng nhằm giảm phát thải cac-bon thì Chính sách Chi trả DVMTR là một cơ chế tương đối hiệu quả trong giảm thải cac-bon. Lượng cac-bon được hấp thụ nhiều hơn sẽ góp phần ngăn chặn bớt tác hại của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thêm vào đó, với diện tích rừng ngày càng tăng lên, đương nhiên môi trường sẽ trong sạch hơn, giảm bớt các tác hại của ô nhiễm không khí và đem lại cho con người và các loài động vật môi trường sống tốt hơn, trong lành hơn.

Thứ tư, Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã xây dựng được quỹ cho các hoạt động quản lý và phát triển rừng, góp phần tăng thêm vốn cho các hoạt động môi trường. Theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP; Nghị định 99/2010/NĐ-CP; Nghị định 147/2016/NĐ-CP của Chính phủ, 10% số tiền thu được từ chi trả dịch vụ môi trường của các nhà máy thuỷ điện sẽ được dùng để thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ rừng có nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn. Khoản hỗ trợ này được dùng cho công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện dự án, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ và phát triển rừng…

Hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk đã ưu tiên triển khai việc trồng rừng góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường. Dự kiến trong năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk sẽ trồng mới khoảng 30.000 cây sao đen hỗ trợ các chủ rừng, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong chương trình trồng cây phân tán. Từ các hoạt động truyền thông Chính sách Chi trả DVMTR đồng hành cùng các em học sinh đến trường; Chương trình hỗ trợ trồng cây phan tán; các hoạt động tuyên truyền khác… thì việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và trồng rừng  được nâng cao hơn, phát triển đa dạng và có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Minh Chí- Giám Đốc Quỹ rừng tỉnh trong chương trình trồng cây phân tán. Ảnh: Vy Tuyên