Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”

Thứ Năm, 20-07-2023 / 8:35:15 Sáng
420 Lượt xem

Thời gian vừa qua, tình hình lộ lọt thông tin cá nhân và các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị; để nâng cao ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các hoạt động trên không gian mạng theo nội dung Công văn số 1225/STTTT-CNTT ngày 18/7/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc tham gia Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”; ngày 18/7/2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ký ban hành Công văn số 2569/SNN-VP đề nghị Trưởng các Phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện tuyên truyền, quảng bá và đăng tải cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến xem tại đây

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, nhân viên/văn phòng, gồm:

1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”;

2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake;

3. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao;

4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công;

5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu;

6. Lừa đảo tuyển người mẫu nhí;

7. Giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thu thập thông tin;

8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…;

9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…);

10. Phát tán tin nhắn lừa đảo giả mạo Brandname;

11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp;

12. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online;

13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo;

14. Giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo;

15. Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử;

16. Đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng;

17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng;

18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa;

19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP;

20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAL;

21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook;

22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm,…;

23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook;

24. Lừa đảo cho số đánh đề.

Nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội số một cách bền vững; đồng thời, là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khuyến cáo cán bộ, người lao động, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, học sinh, sinh viên nhận diện và phòng, chống các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đang nổi lên trên không gian mạng Việt Nam hiện nay; kết hợp tham gia tuyên truyền với mọi hình thức phong phú, đa dạng nhất là tăng cường tận dụng ưu thế của internet, mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để tạo ra sức lan tỏa rộng rãi và năng lượng tích cực, bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.

Phượng Vĩ, phòng Truyền thông