Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Thứ Tư, 11-08-2021 / 2:46:09 Sáng
534 Lượt xem

Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội; Ngày 06/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trân trọng giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết:

Chính phủ quyết nghị tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế – xã hội. Nghị quyết Chính phủ đề ra các giải pháp cấp bách cần triển khai.

Cụ thể, về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác.

Nghị quyết nếu rõ, TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.

Về vaccine, thuốc điều trị Covid-19, Nghị quyết nêu rõ, đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vaccine” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.

Chính phủ cũng yêu cầu căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III/2021. UBND cấp tỉnh xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ ngành, địa phương triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.

Nghị quyết nêu rõ, ưu tiên ngân sách và các nguồn lực hợp pháp bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch. Sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, UBND cấp tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện. Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương. Bộ Y tế chủ trì, rà soát nhu cầu kinh phí mua, nhập khẩu và phương án sử dụng vaccine, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Chính phủ cũng quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) cho từng lô thuốc, vaccine khi thông quan trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.

Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị Covid-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Chính phủ cũng có cơ chế đặc thù trong mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch. Trường hợp không xác định được giá các loại hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng, chống Covid-19 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các bộ ngành, địa phương căn cứ giá do doanh nghiệp công bố theo yêu cầu của Bộ Y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và được cập nhật hàng tuần để xác định giá gói thầu.

Trường hợp không có doanh nghiệp công bố giá, để giảm tải khối lượng công việc cho Bộ Y tế tập trung phòng, chống dịch, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Tư pháp thành lập Tổ công tác thực hiện việc đàm phán thống nhất về giá với doanh nghiệp để Bộ Y tế công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xác định giá gói thầu.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19 và kịch bản ứng phó, Bộ Y tế kịp thời công bố, cập nhật danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh để các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian có dịch có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu: chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Về xử lý thông tin xấu, độc trên mạng, Nghị quyết nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất một đầu mối về truyền thông, tăng cường hệ thống thông tin cơ sở, thường xuyên cung cấp các bản tin tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cải chính, phản bác, đấu tranh với các thông tin xấu độc, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, các địa phương.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ dùng chung đã được các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền công bố; chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ khác phù hợp với các nền tảng công nghệ dùng chung, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; tổ chức, phân công đầu mối để phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:

– Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

– Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng;

– Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2022.

Phòng Truyền thông