Cư San là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện M’Đrăk gần 50 km. Hầu hết người dân của xã là các dân tộc ít người như Mông, Dao, Tày, di dân tự do vào Đắk Lắk sinh sống, tạo thành các cụm dân cư tự phát, nhưng sau khi được quy hoạch đến nay đã ổn định. Những năm trước dân trí còn thấp, một số người dân không nói được tiếng phổ thông; nhận thức, hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như công tác quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Luật Lâm nghiệp… còn hạn chế. Người dân vẫn còn duy trì một số phong tục, tập quán lạc hậu như săn bắt, phát rừng làm rẫy…. Nhưng gần đây do không ngừng nỗ lực vươn lên, tích cực học hỏi từng bước xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó đời sống của người dân đã từng bước ổn định. Cùng với đó, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền khác về công tác quản lý bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức cho các em về ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, góp phần thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn. Để người dân hiểu rõ hơn về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – chính sách mà từ năm 2013 người dân là đồng bào dân tộc tại chỗ đã có thu nhập từ việc nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ và phát triển rừng; Ngày 25/5/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành cùng Trường THCS bán trú Tô Hiệu tại xã Cư San tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng các em đến trường.
Trường THCS bán trú Tô Hiệu có 587 học sinh là người dân tộc ít người như Mông, Dao, Tày…(chỉ có 04 bạn là dân tộc Kinh). Trước khi diễn ra hoạt động chính của buổi ngoại khóa, các em học sinh đã đến tập trung đông đủ tại nhà đa năng của trường, tạo một bầu không khí hết sức náo nhiệt, các bạn học sinh trong đội văn nghệ của trường biểu diễn các tiết mục văn nghệ hết sức sôi động và vui tươi, các bạn rất tự tin từ màn chào hỏi, tìm hiểu các kiến thức về bảo vệ rừng đến phần thuyết trình các bức tranh do các em tự vẻ để truyền thông bảo vệ rừng, đây là điều ít thấy đối với các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhân dịp này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã trao tặng 120 phần quà gồm vở, mũ cho các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập. Trong các cuốn vở, mũ này, có nhiều thông điệp bảo vệ rừng được in đậm, rõ, màu sắc sinh động, bắt mắt. Thông qua các thông điệp này sẽ giúp các em, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng và chúng ta hãy chung tay bảo vệ rừng vì rừng rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta.
Món quà tuy không lớn nhưng sẽ khích lệ các em học tập và các em sẽ là các tuyên truyền viên nhí trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Phòng Truyền thông