Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”

Thứ Tư, 12-07-2023 / 7:15:00 Sáng
640 Lượt xem

Ngày 05/5/2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ký ban hành văn bản số 1492/SNN-VP gửi các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội….; UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột; các Phòng, Chi cục, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở hưởng ứng tham gia cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thể lệ cuộc thi xem tại đây

Để Cuộc thi mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan toả sâu rộng toàn xã hội, thu hút đông đảo bài dự thi nhất là các đối tượng tham gia; ngày 11/7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 2452/SNN-KHTC gửi các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, Đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các trường Đại học….hướng dẫn làm rõ và gợi ý chi tiết thêm các nội dung Cuộc thi đã nêu tại các văn bản nêu trên để các tổ chức, cá nhân quan tâm, hưởng ứng cuộc thi thấy rõ hơn các vấn đề thuộc nội dung cuộc thi, từ đó dễ dàng hơn trong việc lựa chọn chủ đề tham gia, cụ thể như sau:

1. Về bố cục của một bài dự thi: Bao gồm đầy đủ các mục nội dung như mẫu phụ lục I. Mẫu bài dự thi đã gửi kèm Thể lệ cuộc thi số 1491/TL-BTC.

2. Hướng dẫn làm rõ và gợi ý chi tiết thêm nội dung cuộc thi.

2.1. Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tư duy đầy đủ, sâu sắc về kinh tế nông nghiệp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân để cụ thể hóa vào thực tế, thực tiễn nhằm thay đổi nhận thức từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá sản phẩm đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Thực trạng công tác tuyên truyền về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay như thế nào: hình thức, đối tượng, phạm vi, nội dung tuyên tuyền, kết quả đạt được (sự hiểu biết, mức độ nhận thức cơ quan, đơn vị, địa phương về cơ cấu lại ngành nông nghiệp), những khó khăn, tồn tại,…

(2) Trên cơ sở đánh giá thực trạng đề xuất giải pháp, sáng kiến mới, bao gồm: tên giải pháp, sáng kiến, nội dung, đối tượng, phạm vi, phương thức, hình thức, công cụ, thời gian… sẽ thực hiện tuyên truyền;

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến so với thực trạng tuyên truyền đang áp dụng; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng giải pháp, sáng kiến.

(4) Nếu giải pháp, sáng kiến được áp dụng thì dự kiến sẽ tác động làm thay đổi như thế nào so với giải pháp tuyên tuyền đang áp dụng về: nhận thức, tư duy đầy đủ, sâu sắc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, địa phương và nhân dân về xây dựng nền nông nghiệp chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn… nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

2.2. Về cơ chế, chính sách đặc thù, giả pháp của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp đang áp dụng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản: văn bản chính sách, nội dung hỗ trợ, kết quả thực hiện hỗ trợ, hiệu quả, tác động chính sách và các giải pháp mang lại, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá các cơ chế chính sách hay giải pháp đang áp dụng nêu trên và điều kiện thực tế của tỉnh, địa phương đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, giải pháp (của tỉnh, địa phương) nhằm tạo động lực mới để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, như:

– Chính sách về đất đai: Đề xuất chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng các loại cây, loại con khác có hiệu quả hơn. Quản lý, sử dụng có hiệu quả đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, phát huy các tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng,…

– Chính sách về tài chính, tín dụng: Đề xuất chính sách để tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới cơ chế, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.

– Các chính sách hỗ trợ: doanh nghiệp tham gia liên kết với các tổ chức, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp; ứng dụng, tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…;

– Các cơ chế, chính sách thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình mỗi xã một sản phẩm.

(3) Đánh giá những điểm mới của chính sách đề xuất so với các chính sách đang áp dụng; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi triển khai thực hiện.

2.3. Về rà soát, đánh giá và đề xuất sắp xếp lại các yếu tố trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương từ: quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quy mô, giống mới, dây chuyền công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, các loại dịch vụ đầu vào, đầu ra và thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành tố phải tăng cường bổ sung phối hợp chặt chẽ để tạo sự liên kết, đồng bộ, tạo hiệu quả cao nhất, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá thực trạng các yếu tố trong chuỗi giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, của tỉnh: Quy mô, hình thức tổ chức, địa bàn triển khai, giống, công nghệ ứng dụng trong sản xuất – chế biến, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ; sự quan tâm của các cấp các ngành, kết quả huy động nguồn lực đầu tư; đánh giá sự phù hợp, hiệu quả và tác động đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…;

(2) Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nêu trên và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm sắp xếp lại các yếu tố trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, của tỉnh trong thời gian đến. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: quy hoạch, quy mô, giống mới, dây chuyền công nghệ sản xuất; phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; chuyển đổi số trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quản trị trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, từ sản xuất, chế biến (nhất là chế biến sâu) và tiêu thụ gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực của tỉnh; giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực…

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với thực trạng các yếu tố trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp hiện nay; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng giải pháp, sáng kiến thực tế.

2.4. Về đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể: Mô hình tổ chức liên kết hợp tác phù hợp của người nông dân (nhất là Hợp tác xã) để đem lại hiệu quả cao, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá thực trạng hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đang áp dụng như: các hình thức sản xuất (kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp…), số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc…

          (2) Trên cơ sở đánh giá các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đang áp dụng và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm tiếp tục đổi mới các thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể (đổi mới hoạt động các hình thức sản xuất hiện có hoặc đề xuất mới, phù hợp quy định pháp luật).

Nội dung đổi mới tổ chức sản xuất cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay, thúc đẩy phát triển và thực hiện có hiệu quả định hướng lớn của ngành như: Tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số; sản xuất có chứng nhận, truy suất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, gắn với thị trường tiêu thụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và bền vững; du lịch nông nghiệp như: sử dụng đòn bẩy du lịch nông nghiệp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 (3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đang áp dụng; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi triển thực hiện.

2.5. Về chính sách, giải pháp, khuyến khích, thu hút Doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến Nông lâm thủy sản, liên kết hợp tác với nông dân, HTX có hiệu quả… , cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá hiệu quả các chính sách đang áp dụng để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh cạnh tranh khu vực, quốc tế đầu từ vào lĩnh vực nông nghiệp: văn bản chính sách, nội dung hỗ trợ, kết quả thực hiện hỗ trợ, hiệu quả, tác động chính sách mang lại, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá các chính sách, giải pháp đang áp dụng nêu trên và điều kiện thực tế của tỉnh, địa phương đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, giải pháp (của tỉnh, địa phương) nhằm tạo động lực mới để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, như: Xây dựng các chính sách thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân; khuyến khích, thu hút Doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, liên kết hợp tác với nông dân, HTX có hiệu quả…

(3) Đánh giá những điểm mới của chính sách, giải pháp đề xuất so với các chính sách, đang áp dụng; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi triển khai thực hiện.

2.6. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá tình hình chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang được đơn vị, địa phương triển khai thực hiện: phương thức, hình thức triển khai, khoa học công nghệ áp dụng, số lượng, quy mô, địa bàn, đối tượng áp dụng, các chính hỗ trợ, hiệu quả mang lại, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang áp dụng và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Nội dung đề xuất giải pháp, sáng kiến đổi mới cần tập trung các vấn đề: Phương thức, hình thức chuyển giao (đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình, tổ chức hội thảo…); đối tượng ưu tiên (nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã hay doanh nghiệp), địa bàn thực hiện (ưu tiên tập trung vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay triển khai rộng khắp), tên khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tế và chính sách hỗ trợ chuyển giao (đề xuất nội dung ưu tiên hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình  thức hỗ trợ…) đảm bảo hiệu quả, thiết thực và lan toả rộng rãi; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản (như: giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, có lợi thế cạnh tranh; các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; công nghệ nuôi chuồng kín, chăn nuôi không mùi, tiết kiệm nước, công nghệ xử lý chất thải, công nghệ sản xuất thịt/trứng sạch, chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn gen, sản xuất giống mới có năng suất chất lượng; áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản Vietgap, hệ thống nuôi thâm canh, bán thâm canh trên các thủy vực…); thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia.

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với các khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang áp dụng; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi triển thực hiện.

2.7. Giải pháp trong đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp có hiệu quả, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá tình hình, kết quả công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, phát triển thủy lợi đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất, kết hợp với phòng chống cháy rừng, vừa cung cấp nước cho dân sinh của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương thời gian qua như: dự án, danh mục, số lượng, quy mô, thời gian, kinh phí đầu tư; công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu đầu tư; công tác đầu tư xây dựng; công tác quản lý, bàn giao, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng sau đầu tư; vấn đề huy động, lồng ghép nguồn lực; đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của công trình sau đầu tư; những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, phát triển thủy lợi đa mục tiêu, cấp nước sạch nông thôn hiện nay và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến về cơ chế, chính sách; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả đầu tư công trình; ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới các hình thức quản lý, khai thác công trình…  nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao của người dân.

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với thực trạng công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thônđang thực hiện; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng giải pháp, sáng kiến thực tế.

2.8. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lãnh đạo, tổ chức và triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá tình hình, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thời gian quan ở các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 16/10/2016 của Tỉnh ủy và Kết luận số 467-KL/TU ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 16/10/2016 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2325/QĐ-UBND, ngày 10/8/2016 UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như: công tác ban hành các văn bản triển khai; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động; công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, thu hút doanh nghiệp đầu tư; công tác ưu tiên bố trí nguồn lực…; đánh giá sự phù hợp, hiệu quả công tác quản lý ngành; những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nêu trên và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm đổi mới, nâng cao năng lực quản lý ngành thời gian đến. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: Rà soát ban cơ chế, chính sách; Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với thực trạng quản lý ngành hiện nay; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng giải pháp, sáng kiến thực tế.

2.9. Các nội dung khác có liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

2.9.1. Về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá tình hình, kết quả công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp của các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện thời gian qua như: hình thức, số lượng, quy mô, thời gian, nội dung đào tạo, tập huấn; vấn đề áp dụng, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo tập huấn; đánh giá sự phù hợp của công tác đào tạo, tập huấn hiện nay gắn với sử dụng lao động; những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thời gian đến. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề chính như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, HTX; đào tạo, tập huấn cho nông dân, HTX kiến thức về tổ chức sản xuất và thị trường; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế chính sách cho lực lượng cán bộ khuyến nông nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo, dẫn dắt khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng hoạt động (chính sách về con người); phát triển đội ngũ cán bộ khuyến nông cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cơ sở…

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thực hiện; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng thực tế.

2.9.2. Bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá cụ thể kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai thời gian qua như: Nội dung hoạt động, số lượng, hình thức, quy mô, công nghệ áp dụng; vấn đề huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện; đánh giá sự phù hợp, hiệu quả và tác động của các hoạt động; những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nêu trên và điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, địa phương đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp ổn định, hiệu quả và bền vững. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề chính như: Sử dụng tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính; quản lý nguồn nước ở các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi; áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước; tăng cường quản lý về an toàn đập; nâng cao hiệu quả quản lý rủi do thiên tai; xây dựng các mô hình hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư xã hội thời gian đến.

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với thực trạng hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai hiện nay; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng giải pháp, sáng kiến thực tế.

2.9.3. Đề xuất các mô hình canh tác, chế biến, bảo quản, nông lâm kết hợp, nông nghiệp kết hợp du lịch; các mô hình nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn có tính thực tiễn và hiệu quả cao, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

(1) Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mô hình nông nghiệp (canh tác, chế biến, bảo quản, nông lâm kết hợp), nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp đa giá trị… của các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trong thời gian qua như: hình thức, số lượng, hiệu quả về kinh tế – xã hội – môi trường, quy mô, nội dung, địa bàn triển khai, đối tượng, kinh phí thực hiện, khả năng lan tỏa nhân rộng; thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng tiếp nhận đầu tư của người dân/HTX/doanh nghiệp; những bài học kinh nghiệm, tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc…

(2) Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công tác triển khai các mô hình nông nghiệp nêu trên trong thời gian qua, điều kiện thực tế của địa phương, của ngành, của tỉnh, nhu cầu thực tế của người dân/doanh nghiệp và thị trường đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm xây dựng các mô hình canh tác, chế biến, bảo quản, nông lâm kết hợp, nông nghiệp kết hợp du lịch; các mô hình nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn có tính mới, đột phá, sáng tạo, tính thực tiễn, sự lan tỏa và hiệu quả cao.

(3) Đánh giá những điểm mới của giải pháp, sáng kiến đề xuất so với các mô hình đang thực hiện; ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng, tác động, khả năng áp dụng, dự kiến hiệu quả đạt được khi áp dụng thực tế.

2.9.4. Các nội dung khác có liên quan (nếu có).

 Để Cuộc thi diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, ý nghĩa và thu hút đông đảo các đối tượng tham gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, Đoàn thể, các Viện, trường, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân để biết và tham gia dự thi, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hồ Thị Hồng, phòng Truyền thông