Dịch vụ môi trường rừng và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong Luật Lâm nghiệp 2017

Thứ Sáu, 15-06-2018 / 8:31:30 Sáng
1696 Lượt xem

              Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả DVMTR đã có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2011. Sau hơn 5 năm đưa vào triển khai thực hiện, ngày  02/11/2016 Chính phủ có Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP nói trên. Đến nay, sau gần 08 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu.

Sau gần 08 năm thực hiện, quy định cơ chế tài chính về DVMTR cũng như quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa rõ so với các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) đã được thể hiện đầy đủ và hiệu quả. Luật Lâm nghiệp 2017 thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã có một số nội dung cơ bản của DVMTR và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Theo đó tại Mục 4  “Dịch vụ môi trường rừng” thuộc Chương VI “Sử dụng rừng” gồm 4 nội dung chính, được thể hiện trong 05 Điều: Luật Lâm nghiệp 2017 đưa ra (i) Các loại dịch vụ môi trường rừng cụ thể là Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, chống gió, bão, cát bay, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ các cơ sở kinh tế, công trình ven biển phục vụ cho đời sống xã hội; Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thụ và lưu giữ cac bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, chống suy thoái rừng, tăng trưởng xanh; Bảo vệ cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng cho dịch vụ du lịch; Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, (ii) Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng được nêu rõ Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng; Thực hiện chi trả DVMTR bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp; Tiền chi trả DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là tiền của bên sử dụng DVMTR ủy thác cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để trả cho các chủ rừng cung ứng DVMTR; Tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm của tổ chức, cá nhân sử dụng DVMTR; Đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Luật Lâm nghiệp 2017 cũng chỉ ra (iii) đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng rất cụ thể theo từng đối tượng phải chi trả DVMTR và đối tượng được hưởng DVMTR, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; iv) Luật Lâm nghiệp 2017 cũng quy định  Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (điều 64) và Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (điều 65)

       Chương trình “chính sách chi trả DVMTR đồng hành cùng học sinh đến trường” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk

    Theo Luật lâm nghiệp 2017 thì các loại rừng được chi trả DVMTR gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp đạt đủ các điều kiện về tiêu chí, chức năng của rừng theo quy định hiện hành. Đối tượng được hưởng tiền DVMTR bao gồm i) Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng hoặc tự phục hồi, phát triển rừng được Nhà nước công nhận hoặc nhận chuyển giao rừng từ tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật, cụ thể gồm: Tổ chức trong nước (Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Đơn vị kinh tế quốc phòng; đơn vị quốc phòng, an ninh khác được Chính phủ phê duyệt; Tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp; Hộ gia đình, cá nhân trong nước; Cộng đồng dân cư và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; ii) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước; iii) Các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng có cung ứng DVMTR. 06 Đối tượng phải chi trả tiền DVMTR là các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; Các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac bon của rừng, bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có phát thải khí nhà kính; và các đối tượng phải trả tiền cho dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên; sử dụng nguồn nước từ rừng và hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

Hình thức chi trả DVMTR gồm chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp, tuy nhiên Nhà nước khuyến khích áp dụng hình thức chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR tự thỏa thuận được mức tiền chi trả. Quản lý, sử dụng tiền DVMTR sẽ được Chính phủ quy định chi tiết cùng với những nội dung về đối tượng, hình thức chi trả, kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR.

            Hội nghị phổ biến văn bản mới, chính sách mới tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk

  Liên quan đến Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp 2017 đề cập tại Mục 2 “Đầu tư và tài chính trong lâm nghiệp” thuộc Chương IX “định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp” được thể hiện trong Điều 95 “Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”. Theo đó, về Loại hình thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập; về Mục đích thành lập thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập để huy động các nguồn lực của xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp. Quỹ hoạt động trên Nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; Hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư; và Phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Về Cơ cấu tổ chức, Quỹ ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thành lập còn Quỹ ở cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Nguồn tài chính hình thành Quỹ gồm nguồn Tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn nhận ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; Tiền chi trả DVMTR; Tiền bồi hoàn do làm suy giảm hoặc mất đi giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và bồi hoàn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác; Các khoản đóng góp bắt buộc do khai thác lâm sản từ rừng do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; và Từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác. Ngoài ra Chính phủ sẽ quy định cụ thể về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức; cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Việc những nội dung cơ bản về DVMTR và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được đề cập trong Luật Lâm nghiệp 2017 sẽ là căn cứ quan trọng để ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách sau này.

Luật Lâm nghiệp 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Phòng Truyền thông