Đoàn Thanh niên Quỹ Bảo vệ và PTR tỉnh Đắk Lắk ứng dụng bom hạt giống để góp phần phục hồi rừng thuần tự nhiên

Thứ Hai, 14-08-2023 / 7:32:10 Sáng
433 Lượt xem

Ứng dụng chương trình Phục hồi rừng thuần tự nhiên bằng “Bom hạt giống” đa tầng, giải pháp hữu hiệu để phủ xanh đất trống, đồi trọc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và nâng cao ý thức, nhận thức cho Đoàn viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong việc bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền đến người thân về việc ươm mầm cây xanh, phát triển rừng trong tương lai và hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước. Được sự thống nhất và tạo điều kiện của Chi bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và Công ty CP Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk. Trong các ngày từ 11-14/8/2023 tại Lâm viên thành phố Buôn Ma Thuột. Đoàn thanh niên Quỹ tỉnh đã tổ triển khai thực hiện công trình thanh niên “ ứng dụng bom hạt giống để tái tạo hệ thực vật”.

Bom hạt giống là một phương pháp gieo trồng bằng hạt giống được bọc trong vật liệu đất. Đất bọc hạt thường là hỗn hợp đất sét và các thành phần khác như phân trộn hoặc mùn. “Bom hạt giống” sau khi hoàn thành sẽ được phơi khô trước khi gieo.

Sau khi mang đi thả trên rừng hoặc vùng đất trống đồi trọc, các hạt giống nằm im trong lớp đất đợi khi có mưa sẽ nảy mầm, cây con mọc lên đã có sẵn một lượng dinh dưỡng đủ để phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài khoảng 2 – 3 tháng đủ để cây con cứng cáp. Khi mùa khô hạn đến thì sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.

Sử dụng “bom hạt giống” giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng. “Bom hạt giống” có thể tận dụng các loại cây đặc hữu tái sinh bằng hạt, có khả năng chịu hạn cao để phát triển diện tích rừng tự nhiên.

Cách tạo “bom hạt giống” rất đơn giản, chỉ cần trộn đất sét, mùn với phân và chút nước, nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt giống cây cần trồng vào giữa rồi vo viên lại.  (hạt giống được các đoàn viên thanh niên của Quỹ quyên góp).

“Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Do được đất bao bọc bên ngoài, hạt giống không bị côn trùng hay kiến ăn nên tỷ lệ nảy mầm cao. “Bom hạt giống” khá nhỏ gọn nên dễ dàng vận chuyển khi đi rừng.

Trong thời gian tới, Đoàn thanh niên Quỹ tỉnh sẽ tiếp tục ứng dụng và tuyên truyền mô hình “bom hạt giống” đến các đơn vị trên địa bàn tỉnh để được triển khai một cách rộng rãi đến đông đảo cộng đồng và xã hội chung tay bảo vệ và phát triển rừng.

Minh Đức – Đoàn thanh niên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh