Dư địa lĩnh vực nông nghiệp là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk

Thứ Tư, 27-04-2022 / 1:10:46 Sáng
583 Lượt xem

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là điểm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Tỉnh có điều kiện đất đai rộng lớn, đất đỏ bazan màu mỡ, có nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế này thì việc thu hút các nhà đầu tư vào Đắk Lắk, nhất là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đang được tỉnh xác định là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn ông NGUYỄN HOÀI DƯƠNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT.

Thưa ông, lĩnh vực nông nghiệp Đắk Lắk còn nhiều dư địa, vậy đâu là thế mạnh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư?

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông khá thuận lợi, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ; đặc biệt, sắp tới có thêm cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa sẽ giảm đáng kể thời gian, chi phí vận tải. Địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về nông nghiệp, với 650.000 ha đất canh tác, đặc biệt là hơn 300.000 ha đất đỏ bazan, địa hình bằng phẳng rất thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, dược liệu. Về chăn nuôi, tỉnh có quy mô tốp 10 cả nước và dư địa vẫn còn rất lớn; lĩnh vực thủy sản, có 42.000 ha mặt nước, nhưng mới khai thác khoảng 25%, đặc biệt là tiềm năng nuôi cá nước lạnh, cá đặc sản còn rất lớn. Về lâm nghiệp, với diện tích và những đặc trưng riêng, tỉnh có thể thu hút các dự án trồng rừng nguyên liệu, nông – lâm kết hợp, du lịch sinh thái gắn với rừng. Với quy mô ngành nông nghiệp rất lớn như đã nói trên, nhưng đầu tư vào chế biến nông lâm sản còn chậm, tỷ trọng còn thấp. Đắk Lắk lại có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản, đặc biệt đối với rau củ quả và những nông sản chủ lực. Sản phẩm qua chế biến, nhất là sản phẩm tinh chế, chế biến sâu còn chiếm tỷ lệ rất thấp, chưa có nhà máy chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú… Đây là dư địa lớn, cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

♦ Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk cũng đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp mà các doanh nghiệp đã mang lại cho ngành nông nghiệp của tỉnh?

Khoảng 10 năm qua, tỉnh đã thu hút 75 dự án trong ngành nông nghiệp, trong đó, đã có một số nhà đầu tư về chăn nuôi, chế biến nông sản lớn như: Công ty Sapo, đầu tư nhà máy chế biến trái cây, rau củ quả; Tập đoàn Hùng Nhơn, đầu tư dự án chăn nuôi lợn; Tập đoàn Xuân Thiện, đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M’gar; Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp, đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tại huyện Ea Súp; Công ty Trái cây Daclac Farm, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam, đầu tư nuôi cá tầm tại huyện Lắk…

Những dự án này bước đầu khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cao, từng bước tạo ra chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ bền vững. Đồng thời, tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao hơn, sản phẩm chế biến sâu, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, các dự án triển khai đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Để đạt được những kết quả đầu tư như kỳ vọng của tỉnh, Đắk Lắk có những giải pháp nào tháo gỡ nút thắt trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thưa ông?

Thời gian qua, Đắk Lắk đã xác định những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, từ đó tỉnh đã có chương trình cụ thể để khắc phục, thay đổi. Cụ thể, quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, thay vì trước đây nhà đầu tư phải trực tiếp đến tìm hiểu thì tỉnh đã chủ động đi làm việc, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư. Tỉnh cũng đã công khai, cụ thể hóa các trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch để cải thiện Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương chú trọng cải cách hành chính, công khai minh bạch thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi để cải thiện điều kiện sản xuất, lưu thông nhằm thu hút nhà đầu tư. Thực hiện mạnh mẽ việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác để xây dựng các vùng sản xuất tập trung thông qua hợp tác xã để doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết, kết nối vùng nguyên liệu một cách thuận lợi. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động trong công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư.

♦ Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Đắk Lắk xác định đâu là trọng tâm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư?

Trong thời gian đến, chúng tôi xác định trọng tâm, mấu chốt là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khâu chế biến. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục và tích cực tham mưu, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân, đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân.

Chúng tôi đã xác định các lĩnh vực chủ chốt, đó là phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng; gắn nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp.

Các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng; nghiên cứu triển khai các mô hình canh tác nông lâm kết hợp phù hợp với địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng; mô hình kết hợp du lịch với sinh thái nông lâm nghiệp mang bản sắc các dân tộc tại địa phương.

Đầu tư phát triển nuôi cá nước lạnh, nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa. Đầu tư, phát triển các dự án bổ trợ để phát triển chăn nuôi như: nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.

♦ Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Đắk Lắk ĐT

putty download/