Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh

Thứ Ba, 30-11-2021 / 2:45:26 Sáng
977 Lượt xem

Ô nhiễm chất thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất toàn cầu và gây áp lực không nhỏ lên môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải nhựa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trước thực trạng này, ngày 05/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 10900/KH-UBND với mục tiêu tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người.

Đối với chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, ngày 29/11/2021 Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch 3895/KH-SNN triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với mục đích tăng cường quản lý chất thải nhựa lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt đối với kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe con người, từ đó làm thay đổi hành vi, trách nhiệm trong sử dụng, quản lý chất thải nhựa đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả mục tiêu chiến lược của Đảng, nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Đẩy mạnh và phát động các phong trào, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, thu gom, tái che, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại công sở thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; thực hiện thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phát sinh; tổ chức các phong trào thu gom rác thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn

Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp

Muốn đạt được mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 5089/KH-UBND ngày 09/6/2021 của UBND tỉnh về thông tin, tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, đơn vị để hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện khác và hoạt động thường nhật của đơn vị; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Tăng cường vai trò tham gia của công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Thực hiện phân loại, thu gom chất thải nhựa tại đơn vị; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái chế, xử lý và quản lý chất thải nhựa, chất thải từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy động thái tích cực, quyết liệt của Sở Nông nghiệp và PTNT, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia của các đơn vị trực thuộc Sở, người dân bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực; từ đó làm thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilông thông qua việc mua sắm trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày.       

Phòng Truyền thông