Khi tiền dịch vụ môi trường rừng thành vốn phát triển kinh tế – Điểm mới ở cộng đồng buôn Ta ly xã Ea sol, huyện Ea H’leo

Thứ Ba, 25-08-2020 / 7:31:45 Sáng
1220 Lượt xem

Từ nguồn chi trả bảo vệ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được người dân cộng đồng buôn Ta ly xã Ea sol, huyện Ea H’leo tạo thành nguồn vốn phát triển sinh kế bằng cách trồng rừng kinh tế.

Phát triển sinh kế

Các năm qua đời sống cộng đồng buôn Ta ly xã Ea sol, huyện Ea H’leo đã từng bước cải thiện, nâng cao do được hưởng lợi nguồn kinh phí của chính sách chi trả DVMTR.

Cụ thể, cộng đồng đã họp bàn thống nhất trích một phần tiền chi trả DVMTR để trồng rừng kinh tế. Mùa trồng rừng năm 2020, cộng đồng buôn Ta ly thống đầu tư mua cây giống lâm nghiệp và phân bón để trồng rừng kinh tế với hơn 10.000 cây keo lai trên diện tích đất trống dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chi nhánh Ea H’leo – Krông Buk.

Ông Ksơr Y Grư – Chủ tịch UBND xã Ea Sol cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn xã đã giúp hàng trăm hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có nhận thức đầy đủ về bảo vệ tài nguyên rừng. Không chỉ vậy nhờ có tiền DVMTR năm 2020 cộng đồng mạnh dạng trích một phần kinh phí từ nguồn tiền DVMTR của các năm trước mua giống, trồng mới 10.000 cây keo lai trên diện tích đất trống.

Số tiền từ nguồn chi trả bảo vệ rừng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy còn hạn hẹp nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo mối gắn kết giữa các cấp chính quyền và cộng đồng. Đây cũng là điều kiện tạo động lực, hài hòa giữa lợi ích trong công tác QLBVR với đời sống cộng đồng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa”.

Bảo vệ rừng được tốt hơn

Để hoạt động tuần tra rừng của người dân và cộng đồng có hiệu quả, cộng đồng buôn Ta ly mua 01 máy định vị GPS. Phân công cụ thể cho từng thành viên trong cộng đồng thực hiện trách nhiệm đi tuần tra bảo vệ rừng; ghi nhận các thông tin cần thiết về tài nguyên rừng đang quản lý, bảo vệ để phản hồi và cung cấp dữ liệu thông tin cho Kiểm Lâm giám sát được thuận lợi; đảm bảo tính minh bạch…

Việc họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng đã trở thành hoạt động luân phiên hàng tháng của cộng đồng. Qua đó, không chỉ giúp thành viên trong cộng đồng gắn bó với rừng hơn mà còn làm chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Mặc khác còn ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

Cùng với việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân, nguồn tiền từ chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ tạo cơ hội gắn kết giữa các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng cư dân thôn bản với chính quyền, tổ chức nhà nước về lâm nghiệp mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Lê Thanh Tuấn – Trưởng CN Ea H’leo, Krông Buk