Hưởng ứng kỷ niệm 10 năm ngày Pháp luật Việt Nam 09/11

Thứ Tư, 09-11-2022 / 1:06:42 Sáng
338 Lượt xem

Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.

Ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam 09/11

Theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 09/11 cũng là ngày bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua – Hiến pháp 1946.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, góp phần thực hiện tuyên truyền khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Qua đó tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đây là dịp toàn thể ban, ngành trong cơ quan nhà nước đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL, đưa ra những mặt hạn chế còn tồn trong hệ thống pháp qua đó định hướng triển khai các công việc liên quan trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ngày Pháp luật Việt Nam còn tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật.

Nội dung tổ chức trong Ngày Pháp luật Việt Nam

Cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 28/2013/NĐ-CP, ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức với các nội dung sau đây:

– Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

– Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

– Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

– Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

– Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

– Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Các hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày Pháp luật Việt Nam có thể được tổ chức dưới các hình thức theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 28/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Mít tinh; hội thảo; tọa đàm;

– Thi tìm hiểu pháp luật;

– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm;

– Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

* Trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

Trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam được quy định như sau:

– Hằng năm, Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam trong phạm vi cả nước;

– Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cho các tổ chức thành viên.

(Khoản 1 Điều 7 Nghị định 28/2013/NĐ-CP)

* Trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 28/2013/NĐ-CP, trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam được quy định như sau:

– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam;

– Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhằm thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, Nhà nước đưa ra các chính sách sau đây:

– Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

– Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

(Điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)

P.Truyền Thông