Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, nhiều chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019

Thứ Năm, 03-01-2019 / 4:00:24 Sáng
5897 Lượt xem

Để các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến các hoạt động lâm nghiệp tại nước ta thực hiện tốt các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp, ngày 16/11/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp số 16/2017/QH 14 ngày 15/11/2017. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019; Nghị định gồm 07 chương, 92 điều quy định chi tiết về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Riêng đối với dịch vụ môi trường rừng và Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, Nghị định dành trọn cả chương V gồm 28 điều, từ Điều 57 đến Điều 86.  Nghị định này bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo trong Phụ lục I.

Nghị định quy định về tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và quy chế quản lý rừng; giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được quy định cụ thể như sau:

– Chính sách đầu tư: Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như: hoạt động quản lý của các ban quản lý rừng; trồng, chăm sóc, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng; sưu tập tiêu bản thực vật rừng, động vật rừng; nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến lâm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng và triển khai phương án bảo vệ rừng bền vững;…Bảo vệ và cứu hộ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp (ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong điều tra, theo dõi diễn biến rừng; phòng trừ sinh vật gây hại rừng; chọn tạo, nhân giống cây trồng thân gỗ,…; nghiên cứu giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đối với các hệ sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu,…)

Xây dựng khu nghiên cứu phát triển, khu công nghệ cao: nhân giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô, phôi sinh dưỡng; nghiên cứu phát triển, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất cây giống quy mô công nghiệp, trồng và chăm sóc rừng,…

Mua sắm phương tiện, trang thiết bị: bảo vệ rừng, quan trắc, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng.

Xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

– Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động: Chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư, phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị; hợp tác liên kết phát triển và bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho chủ rừng; xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, thương mại trong hoạt động lâm nghiệp, mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định mức chi trả dịch vụ môi trường rừng như: mức chi tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu trong kỳ đối với doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản; mức chi tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu trong kỳ đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; mức chi 50 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước; mức chi trả là 36 đồng/kWh điện thương phẩm đối với cơ sở sản xuất thủy điện; mức chi là 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch.

Dưới đây là một số điểm mới quan trọng của Nghị định này liên quan đến dịch vụ môi trường rừng:

1. Nghị định này bãi bỏ Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 về quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng, Thông tư 60/2012/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2012 quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư 85/2012/TT-BTC ngày 25/05/2012 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Thông tư 04/2018/TT-BTC ngày 17/01/2018 hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; Quyết định 46/2007/QĐ-BNN ngày 28/5/2007 Ban hành quy định về xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng

2. Quy định mới về tiêu chí xác định rừng

Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa cụ thể.

Đối với rừng tự nhiên: Quy định về tiêu chí xác định rừng có sự khác biệt với Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT, theo đó rừng tự nhiên bao gồm rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh có diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên và đáp ứng một số quy định khác thì sẽ được gọi là rừng (Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT quy định diện tích liền khoảnh tối thiểu 0,5 ha trở lên).

Đối với rừng trồng: Rừng trồng được công nhận thành rừng bao gồm rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, rừng trồng lại sau khai thác, rừng trồng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng trồng tái sinh sau khai thác khi đạt các tiêu chí có độ tàn che của cây rừng trồng từ 0,1 trở lên, diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên, chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên đối với rừng trồng trên đồi, núi đất và đồng bằng, trên đất ngập phèn, từ 2,0 m trở lên đối với rừng trồng trên núi đá có đất xen kẽ, trên đất ngập nước ngọt, từ 1,0 m trở lên đối với rừng trồng trên đất cát, đất ngập mặn.

Trước đây, theo Quyết định 46/2007/QĐ-BNN thì rừng trồng được công nhận thành rừng khi đã khép tán, mật độ cây trồng phân bố tương đối đồng đều trên toàn diện tích, chiều cao bình quân lớn hơn hoặc bằng 2m, đường kính gốc bình quân lớn hơn hoặc bằng 2cm, diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

3.Rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 2 và có cung ứng một hoặc một số dịch vụ môi trường rừng quy định tại Điều 61 của Luật lâm nghiệp. Không phân biệt rừng trên đất trong hay ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp.

Đây là vấn đề mới so với Nghị định 99/NĐ-CP trước đây chỉ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với diện tích rừng có cung ứng một hoặc nhiều dịch vụ môi trường rừng và nằm trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp.

4. Xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho chủ rừng và chủ rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Hằng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xác định số tiền chi trả cho chủ rừng theo số tiền thực thu trong năm (sau khi đã trừ kinh phí quản lý của Quỹ tỉnh và kinh phí dự phòng theo quy định), gồm số tiền điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và thu nội tỉnh.

Trường hợp mức chi trả cho 01 ha rừng thấp hơn năm trước liền kề hoặc do thiên tai, khô hạn, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung từ nguồn kinh phí dự phòng.

Đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp.

Đặc biệt, theo Nghị định này thì Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh sẽ xác định tổng số tiền chi trả cho chủ rừng nếu diện tích rừng đó cung ứng cho nhiều bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, có nghĩa là sẽ xác định tổng số tiền theo từng lưu vực, cách tính như sau:

Tổng số tiền chi trả cho chủ rừng (đồng) = Số tiền chi trả của lưu vực thứ 1 (đồng) + Số tiền chi trả của lưu vực thứ 2 (đồng) + + Số tiền chi trả của lưu vực thứ n (đồng)

Tương tự, các chủ rừng có khoán bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng cũng phải xác định tổng số tiền chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng theo từng lưu vực như trên.

Nguyễn Cứ – Phòng Truyền thông