Ngày 04/12, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 10693/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Chi tiết văn bản số 10693/UBND-NC xem tại đây
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC, xây dựng, điện lực, kịp thời khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội cho việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong tình hình mới, trong đó tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng (giao thông, nguồn nước…); xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH…
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của người dân về PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, điển hình về PCCC. Các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương dành thời lượng phù hợp, ưu tiên khung giờ nhiều người theo dõi để tuyên truyền về công tác này.
Coi trọng và tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, xác định đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản; hoạt động chữa cháy, CNCH phải chuyên nghiệp, hiện đại. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về PCCC không được gây phiền hà, khó khăn, không hợp pháp hóa sai phạm nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là khi “chuyển đổi trạng thái” phải có sự chuyển tiếp để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, khắc phục.