Ngày 16/9/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 8876/UBND-NNMT yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động lâm nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó cơ bản nhất là bảo vệ được vốn rừng hiện có, duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng hiện nay là 38,75%.
Công tác phát triển rừng được tập trung đẩy mạnh, diện tích rừng trồng mới năm 2020 tăng 50,28% so với kế hoạch cùng kỳ năm trước. Số vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật 7 tháng đầu năm 2021 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số nơi vẫn diễn biến phức tạp.
Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLBVR, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; đề cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất. Cùng với đó, xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện đời sống, giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân trong và gần rừng; xem xét kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với UBND cấp xã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng…
Đối với các chủ rừng tập trung nguồn lực cho công tác QLBVR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng; thống kê diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn, chiếm, dựng lán trại, nhà tạm, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, lập hồ sơ, xử lý; cưỡng chế, giải tỏa theo quy định; có biện pháp trồng lại rừng trên diện tích đất lấn, chiếm đã giải tỏa…
Các sở, ngành liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác QLBVR tại các địa phương, đơn vị chủ rừng để chấn chỉnh, nâng cao năng lực QLBVR; tập trung xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để chủ động tham mưu, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.
Kiên quyết đấu tranh, xử lý số đối tượng đầu nậu, các đối tượng cầm đầu và hành vi tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, hủy hoại rừng.
Rà soát, xác định các vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xử lý …
Phòng Truyền thông
Nguồn: Báo Đắk Lắk