Thực hiện tạm ứng, quy trình, hình thức và hồ sơ đề nghị tạm ứng tiền DVMTR hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ Tư, 25-03-2020 / 12:54:37 Sáng
1256 Lượt xem

Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi tường rừng, ngày 24/03/2020 Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản số 749/SNN-QLXDCT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, nhiệm vụ và chức năng của từng đơn vị đối với việc thực hiện tạm ứng, quy trình, hình thức và hồ sơ đề nghị tạm ứng tiền hàng năm cho từng đối tượng chủ rừng. Cụ thể như sau:

1. Đối với các chủ rừng là tổ chức có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR):

1.1. Căn cứ diện tích rừng cung ứng DVMTR đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (Quỹ tỉnh) chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Chủ rừng cùng xây dựng Bản đồ chi trả DVMTR; Căn cứ đơn giá dự kiến chi trả tiền DVMTR đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm. Căn cứ vào kết quả thực hiện thu tiền DVMTR theo từng quý của năm tài chính, Quỹ tỉnh sẽ thực hiện việc chi giải ngân tạm ứng tiền DVMTR cho các đơn vị và các bên nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định;

1.2. Các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án tự quản lý bảo vệ rừng, diện tích đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng và công tác quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

1.3. Quỹ tỉnh sẽ thực hiện tạm ứng tiền DVMTR bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của đơn vị chủ rừng, tương ứng với diện tích rừng do đơn vị tự tổ chức quản lý, bảo vệ và kinh phí quản lý (nếu có).

Đối với diện tích rừng đã thực hiện giao khoán, trên cơ sở văn bản đề nghị tạm ứng tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng, Quỹ tỉnh sẽ thực hiện ủy thác cho các Ngân hàng để thực hiện chuyển khoản tạm ứng tiền DVMTR trực tiếp cho bên nhận khoán, đã ký Hợp đồng nhận khoán với các đơn vị chủ rừng.

Đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác đối với số liệu, thông tin như: diện tích rừng đã giao khoán; danh sách nhận khoán; số tiền đề nghị tạm ứng; số tài khoản của bên nhận khoán được hưởng tiền DVMTR và các thông tin khác liên quan đến việc nhận tạm ứng tiền DVMTR.

Quỹ tỉnh sẽ thông báo kết quả chi trả tiền DVMTR hàng năm cho bên nhận khoán để các chủ rừng có thực hiện khoán bảo vệ rừng được biết và giám sát.

1.4. Về hồ sơ đề nghị tạm ứng tiền DVMTR hàng năm, gồm:

– Văn bản đề nghị tạm ứng;

– Bảng thông tin về nội dung tạm ứng;

– Kết quả quản lý, sử dụng tiền DVMTR đã thực hiện tạm ứng kỳ trước (nếu có).

2. Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; UBND cấp xã và tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng

2.1. Được thực hiện theo các quy định của pháp luật tại Điều 62 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Quỹ tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm và UBND cấp xã thực hiện kiểm tra và tổng hợp diện tích rừng đã xác nhận đủ điều kiện chi trả, để làm cơ sở chi giải ngân tạm ứng, hoặc thanh toán tiền chi trả DVMTR.

2.2. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được tạm ứng tiền DVMTR theo từng quý, trên cơ sở số liệu diện tích rừng đã được xác nhận đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR, Quỹ tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu các hồ sơ, phương án có liên quan và văn bản đề nghị tạm ứng tiền DVMTR cho các chủ rừng.

2.3. Về hồ sơ đề nghị tạm ứng tiền DVMTR hàng năm, gồm:

– Quỹ tỉnh có kế hoạch và lịch làm việc cụ thể gửi đến các Hạt kiểm lâm, UBND cấp xã để cùng phối hợp kiểm tra, xác nhận lại diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR trước khi Quỹ tỉnh thực hiện chuyển khoản tiền tạm ứng (hoặc) thanh toán tiền cho chủ rừng;

+ Văn bản phối hợp cùng Hạt kiểm lâm, UBND cấp xã triển khai thực hiện kiểm tra, xác nhận diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả tiền DVMTR;

+ Tổng hợp diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả tiền DVMTR đã được Quỹ tỉnh, Hạt kiểm lâm và UBND cấp xã xác nhận;

– Trên cơ sở số liệu diện tích rừng đã được xác nhận đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR. Quỹ tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin số tiền được tạm ứng/thanh toán, số tài khoản thụ hưởng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

– Quỹ tỉnh sẽ thực hiện chuyển tiền tạm ứng (hoặc) thanh toán tiền cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

3. Số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng tiền DVMTR hàng năm

3.1. Số lần tạm ứng: Một lần trong một quý, tối đa 04 lần trong năm kế hoạch.

3.2. Tỷ lệ tạm ứng tiền DVMTR: Tối đa 70% tổng số tiền chi trả DVMTR mà các đối tượng được nhận trong năm theo kế hoạch thu, chi đã được UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể như sau:

– Quý I: Tỷ lệ tạm ứng trong năm kế hoạch 20%;

– Quý II: Tỷ lệ tạm ứng là 20%. Lũy kế trong năm kế hoạch 40%;

– Quý III: Tỷ lệ tạm ứng là 20%. Lũy kế trong năm kế hoạch 60%;

– Quý IV: Tỷ lệ tạm ứng là 10%. Lũy kế trong năm kế hoạch 70%;

Xem và tải về tại mục văn bản

Phòng Truyền thông