Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giảm áp lực cho NSNN

Thứ Sáu, 07-07-2017 / 2:47:42 Chiều
1640 Lượt xem

Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp, giảm áp lực ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quản lý và bảo vệ rừng…
rung
Rừng được chi trả DVMTR tại Krong K’Mar, Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho biết như vậy khi chia sẻ với phóng viên TBTCVN về thực trạng triển khai và định hướng nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam đến nay.

* PV: Thưa ông, đến nay Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Nghị định số 05) đã đi vào cuộc sống gần được 8 năm. Ông có bình luận gì về tác động của chính sách này?

– Ông Nguyễn Bá Ngãi: Ngay sau khi Nghị định 05 và Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR (Nghị định số 99) được ban hành, đến nay, toàn quốc đã có 41 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR). Một số địa phương có nguồn thu lớn đã thiết lập hệ thống chi trả cấp huyện.

Qua thực tế triển khai cho thấy, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có sự định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR (đối tượng thụ hưởng DVMTR) và bên bán là bên cung ứng DVMTR (chủ rừng).

Theo đó, đến 30/6/2016, cả nước đã ký được 464 hợp đồng ủy thác tiền chi trả DVMTR với các cơ sở sử dụng DVMTR, trong đó Quỹ Trung ương ký 64 hợp đồng, Quỹ tỉnh ký 400 hợp đồng. Trên cơ sở các hợp đồng ủy thác ký kết được, nguồn tiền DVMTR của cả nước hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng; luỹ kế đến 30/6/2016 là 5.744,792 tỷ đồng, từ 3 nhóm đối tượng sử dụng DVMTR: Cơ sở thủy điện là 5.586,497 tỷ đồng, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 149,680 tỷ đồng cơ sở du lịch là 8,615 tỷ đồng.

ngai
Ông Nguyễn Bá Ngãi

Bên cạnh đó, nguồn tiền DVMTR đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp, giảm áp lực ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quản lý và bảo vệ rừng và đóng góp đáng kể vào tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, nguồn chi trả DVMTR chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho BV&PTR và tương đương với khoảng 80% vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, đầu tư cho BV&PTR.

Đồng thời, chính sách này cũng có tác động lớn về môi trường. Nguồn tiền DVMTR hàng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 5 triệu ha rừng trong các lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm tỷ lệ khoảng 38% tổng diện tích rừng hiện có)…

* PV: Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vậy, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất cần tháo gỡ?

– Ông Nguyễn Bá Ngãi: Thứ nhất, mức chi trả thấp không phù hợp với biến động thị trường. Quy định mức chi trả tiền DVMTR theo số tuyệt đối, cố định đối với cơ sở sản xuất thủy điện 20 đồng/kwh, cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 40 đồng/m3 quy định tại Nghị định số 99 đến nay đã không còn phù hợp với tình hình lạm phát và biến động tăng giá, không đảm bảo thu nhập và tạo ra động lực, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Vì vậy, cần có cơ chế điều chỉnh mức chi trả DVMTR cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai là việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn. Có những lưu vực mức chi trả trên 600.000 đồng/ha/năm, nhưng cũng có lưu vực chỉ được chi trả 800 đồng/ha/năm (thấp hơn rất nhiều mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng hiện nay là 200.000 đồng/ha) làm cho thu nhập của người làm nghề rừng có sự khác biệt rất lớn; xuất hiện tình trạng thắc mắc, so bì, phát sinh mâu thuẫn của người dân ở các vùng khác nhau; đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc ít người. Do đó, cần cho phép UBND các tỉnh được chủ động, linh hoạt điều tiết từ lưu vực có mức chi trả quá cao sang lưu vực có mức chi trả quá thấp…

Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán tiền DVMTR còn phức tạp. Việc chi trả cho bên cung ứng (chủ rừng, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận giao, khoán bảo vệ rừng) phải có xác nhận của UBND các cấp, Sở NN&PTNT, khiến cho hoạt động chi trả DVMTR còn kéo dài thời gian và làm gia tăng chi phí giao dịch. Do vậy, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng hiệu quả của DVMTR….

* PV: Theo ông, cần có giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc trên nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, góp phần bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người trồng rừng? 

– Ông Nguyễn Bá Ngãi: Thời gian tới, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn và ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến chi trả DVMTR (sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 được ban hành)…

Cùng với đó, Chính phủ cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương nghiên cứu, thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản đến hết năm 2018, sau đó tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Hơn nữa, các đơn vị phải thực hiện chính sách đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu… Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu nộp tiền DVMTR và các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

* PV: Xin cảm ơn ông! 

Nguôn :  thoibaotaichinhvietnam.vn