Đắk Lắk: Trăn trở với sinh kế người giữ rừng

Thứ Sáu, 07-07-2017 / 2:33:43 Chiều
1151 Lượt xem

Qua 5 năm triển khai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ, huy động được nguồn lực xã hội cho việc bảo vệ phát triển rừng (BVPTR). Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị chủ rừng, mức chi trả DVMTR còn thấp, chưa tương xứng với công sức của người tham gia giữ rừng và tiến độ chi trả còn chậm trễ.

Thay đổi nhận thức của chủ rừng

Năm 2016, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông được các cấp có thẩm quyền thẩm định chi trả DVMTR diện tích hơn 24,8 nghìn héc-ta trong tổng số hơn 28,2 nghìn héc-ta được nhà nước giao quản lý. Từ sau khi nhận kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2016, đơn vị đã tiến hành triển khai họp dân tại 11 thôn, buôn trên địa bàn các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao (huyện Krông Bông) và Cư San (huyện M’Đrắk) nhằm triển khai công tác QLBVR các diện tích được giao khoán. Qua đó, những người tham gia nhận khoán nắm bắt được chính sách của Nhà nước và cùng đơn vị thực hiện.

Việc chi trả DVMTR mới chỉ thực hiện được hơn 40% kế hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân và ảnh hưởng đến sinh kế của người làm nghề rừng.

Việc chi trả DVMTR mới chỉ thực hiện được hơn 40% kế hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân và ảnh hưởng đến sinh kế của người làm nghề rừng.

Qua kiểm tra, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đánh giá toàn bộ diện tích được giao khoán cho người dân trong 4 năm (từ 2013 – 2016) được người dân và cán bộ QLBVR của đơn vị bảo vệ tương đối tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số diện tích gần khu dân cư, gần nương rẫy cũ bị phá, xâm lấn (năm 2013 khoảng 0,79ha; năm 2014 là 20,96ha; năm 2015 là 14,29ha và trong năm 2016 là hơn 11ha).

Còn tại Vườn Quốc gia (VQG) Cư Yang Sin, toàn bộ diện tích gần 59.000ha của vườn đều được chi trả chính sách DVMTR. Hàng năm, sau khi được giao kinh phí từ Quỹ BVPTR tỉnh, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm trên địa bàn triển khai công tác khoán bảo vệ rừng cho người dân. VQG Cư Yang Sin còn thường xuyên tổ chức phối kết hợp với các đơn vị liên quan như: công an, quân sự huyện, hạt kiểm lâm huyện, lực lượng dân quân và các chủ rừng tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét mọi hành vi xâm hại rừng và công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Qua 3 năm, đơn vị đã phối kết hợp được 165 đợt tuần tra dài ngày với gần 1.500 công với các xã vùng đệm, kết hợp với công tác tuần tra của kiểm lâm và các hộ nhận khoán đuổi hơn 2.062 đối tượng ra khỏi rừng, phá huỷ 82 lán trại trái phép trong rừng, thu giữ 43 súng săn, hơn 4.000 bẫy các loại và nhiều phương tiện vi phạm khác. Nhờ sự tham gia tích cực của người dân vào công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; khai thác săn bắt động vật rừng trái phép… nên qua 3 năm triển khai, toàn bộ diện tích rừng khoán cho các hộ dân được quản lý bảo vệ tốt.

Theo ông Võ Minh Quân – Phó Giám đốc Quỹ BVPTR Đắk Lắk, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng tự nhiên là hơn 1,3 triệu héc-ta, trong đó diện tích có rừng là hơn 510.000ha. Diện tích rừng có cung ứng DVMTR trong lưu vực các nhà máy thủy điện là gần 260.000ha, chiếm trên 50% diện tích rừng của toàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã đem lại những hiệu quả cả về môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Các chủ rừng từng bước được nâng cao ý thức, trách nhiệm và tham gia tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng. Ông Quân đánh giá: “Ở những khu vực người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép giảm rõ rệt”.

Giảm áp lực ngân sách

Theo ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Cư Klông (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), từ năm 2013, toàn xã có hơn 400ha được chi trả DVMTR. Mặc dù diện tích QLBVR không lớn nhưng nằm trên địa bàn các xã vùng III, giáp ranh với tỉnh Gia Lai, xa khu dân cư, đường xá đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn… nên sức ép lên tài nguyên rừng là rất lớn. Không những vậy, người nhận khoán QLBVR còn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm rình rập như bị lâm tặc đe doạ, tấn công; tai nạn khi tham gia giữ rừng…

Mặc dù vậy, việc giao khoán cho các hộ dân làm công tác QLBVR đã phần nào giúp cho người dân tham gia giữ rừng có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, làm thay đổi nhận thức giữ rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừ giữ rừng vừa ổn định sinh kế lâu dài cho người dân. Việc huy động được nguồn lực xã hội cho việc BVPTR đã góp phần cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng và thúc đẩy công cuộc xã hội hoá nghề rừng gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi.

Theo ông Võ Minh Quân – Phó Giám đốc Quỹ BVPTR Đắk Lắk, trong tình hình khó khăn của tỉnh hiện tại, nguồn tiền DVMTR đã góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước trong đầu tư BVPTR. Đặc biệt là trong thời điểm “đóng cửa rừng” tự nhiên, các công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu nào khác để trang trải cho công tác QLBVR thì nguồn tiền này sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho các công ty ổn định hoạt động.

 “Trăn trở” sinh kế người giữ rừng

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Cư Klông, mức chi trả DVMTR trên địa bàn còn thấp, chưa đảm bảo được sinh kế những người sống gần rừng. “Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk đầu năm 2016, đơn giá chi trả tiền DVMTR đối với hệ thống lưu vực sông Ba là hơn 120.000 đồng/ha/năm. Mức chi trả này còn khá thấp nên chúng tôi rất mong UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét tăng đơn giá để xã có thêm nguồn thu phục vụ công tác QLBVR” – ông Thắng bày tỏ.

Đại diện lãnh đạo VQG Cư Yang Sin và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cũng cho rằng mức chi trả hiện nay (khoảng 162.000 đồng/ha/năm) là quá thấp, chưa thu hút được đông đảo người dân trên địa bàn tham gia vào khoán bảo vệ rừng. Do đó, các đơn vị đề xuất Quỹ BVPTR tỉnh nên có trích lập quỹ dự phòng trên mức thu hàng năm để bình ổn mức khoán. Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cũng nên đề nghị nhà nước kết hợp các quy định hưởng lợi khác (theo Quyết định 178 đối với hộ nhận khoán QLBVR từ 5 năm trở lên) tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Để thực hiện được từ nguồn chi trả DVMTR cho kịp thời thì một số hạng mục được phép chi trả cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn.

Theo ông Võ Minh Quân – Phó Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra, Quỹ BVPTR nhận thấy các chủ rừng chưa quan tâm đến người dân sống gần rừng. Diện tích rừng được giao khoán QLBVR trong tổng diện tích được chi trả DVMTR mới chỉ thực hiện được hơn 40%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân và ảnh hưởng đến sinh kế của người làm nghề rừng. Trong khi đó, diện tích rừng cung ứng DVMTR tại các lưu vực sông lớn trên địa bàn bình quân chưa đạt 200.000 đồng/ha/năm. Trong thời gian tới, Quỹ BVPTR sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng cường các biện pháp thu từ những nguồn khác được hưởng lợi từ rừng như: du lịch sinh thái, nuôi trồng thuỷ sản… Ngoài ra, Quỹ sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử phạt chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị thuỷ điện chậm hoặc cố tình chây ì nộp tiền DVMTR.

Cũng theo ông Quân, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương còn thiếu cụ thể, nguồn nhân lực của một số đơn vị cung ứng DVMTR còn yếu trong việc xây dựng hồ sơ, kế hoạch đã làm cho tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp cơ sở nhằm nâng cao nhận thức giữ rừng cho người dân, Quỹ BVPTR cũng sẽ tăng cường giám sát các đơn vị chủ rừng để đảm bảo tiền được chi trả đến tận tay người dân; đảm bảo chính sách chi trả DVMTR được triển khai một cách minh bạch, công bằng.

Hiện tỉnh Đắk Lắk đang triển khai thu tiền DVMTR đối với 2 đối tượng là: các cơ sở sản xuất thuỷ điện (22 nhà máy, mức thu bình quân 42 – 45 tỷ đồng/năm) và các đơn vị kinh doanh nước sạch (2 đơn vị, mức thu trung bình 680 triệu đồng/năm). Tính đến hết tháng 7/2016, toàn tỉnh đã huy động được hơn 195 tỷ đồng tiền DVMTR và chi hơn 158,6 tỷ đồng (đạt 77,5% kế hoạch chi).

Lê Phước