Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Ba, 13-06-2017 / 7:23:24 Sáng
1240 Lượt xem

Nghị định số 40/2015/NĐ-CP (Nghị định 40) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã được Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 4 năm 2015, trong đó có quy định về mức xử phạt hành chính đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Theo đó, mức xử phạt thấp nhất là 200 nghìn đồng, cao nhất lên đến 50 triệu đồng.

Nghị định 40 ra đời đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả chính sách đặc biệt việc chấp hành, thực hiện nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ nghiêm túc hơn. Kết quả là sau gần 2 năm Nghị định 40 có hiệu lực thi hành, tình trạng nợ đọng tiền DVMTR đặc biệt của các nhà máy thủy điện giảm đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trì hoãn, chây ỳ việc nộp tiền DVMTR chưa đầy đủ, đúng hạn về hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của một số nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng đến việc giải ngân đến các chủ rừng cũng như hiệu quả triển khai chính sách.

Ngày 05 tháng 4 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2017/NĐ-CP (Nghị định 41) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm chính sách chi trả DVMTR được quy định trong Nghị định 41 được tăng lên so với Nghị định 40, cụ thể:

Người sử dụng DVMTR không ký hợp đồng với chủ rừng cung ứng DVMTR sau 03 tháng trong trường hợp chi trả trực tiếp bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng (thay vì 500 nghìn đồng -1 triệu đồng trước đây)

Người sử dụng DVMTR không kê khai tiền phải chi trả DVMTR trong trường hợp chi trả gián tiếp bị phạt tiền từ mức 1-10 triệu đồng tùy thuộc số tiền DVMTR phải chi trả (thay vì từ 200 nghìn đồng -10 triệu đồng trước đây)

Người sử dụng DVMTR không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng bị phạt tiền từ 1-50 triệu đồng tùy thuộc vào số tiền DVMTR phải chi trả (thay vì từ 500 nghìn đồng – 50 triệu đồng trước đây)

Chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ DVMTR cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng ký kết bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng tùy thuộc số tiền phải chi trả (thay vì từ 200 nghìn đồng – 10 triệu đồng trước đây)

Việc tăng mức xử phạt hành chính vi phạm quy định chi trả DVMTR tại Nghị định 41 sẽ buộc các đơn vị sử dụng DVMTR phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình về chính sách chi trả DVMTR, góp phần giảm thiểu số nợ đọng tiền DVMTR, phấn đấu không còn nợ đọng tiền DVMTR hàng năm, có như vậy quyền lợi của đồng bào vùng rừng núi đang hàng ngày bảo vệ, giữ rừng sẽ được đảm bảo hơn.

Nghị định 41 có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 năm 2017, các hành vi vi phạm hành chính về chi trả DVMTR xảy ra trước ngày Nghị định 41 có hiệu lực thì áp dụng Nghị định số 157/2013/NĐ-CP để xử lý; các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định 41 có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định tại Nghị định 41 này.

Nguồn: BĐH VNFF