Từ khi thực hiện Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các đơn vị, cộng đồng, nhóm hộ và hộ cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ rừng thuộc các lưu vực có cung cấp nguồn nước cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến vốn tài nguyên này theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Dak Lak đã có thêm nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Theo Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT), diện tích rừng ở Dak Lak hiện nay khoảng 633.000 ha, trong đó diện tích rừng có cung ứng DVMTR trong lưu vực các nhà máy thủy điện là 233.757 ha, chiếm tỷ lệ 37%. Với diện tích này, từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm phía doanh nghiệp có sử dụng DVMTR phải chi trả cho Dak Lak khoảng 41- 47 tỷ đồng. Theo đó, hằng năm Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã chi cho chủ rừng từ 30-40 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đáng kể giúp các chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng của mình.
Từ nguồn chi trả DVMTR, Vườn quốc gia Cư Yang Sin có thêm điều kiện gia tăng tần suất tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Lê Hương
Ama H’Len (xã Cư Pui-huyện Krông Bông) cho biết, gia đình ông nhận khoán quản lý, bảo vệ 20 ha rừng với Vườn quốc gia Cư Yang Sin. Ngoài số tiền được hưởng theo Quyết định 187 của Thủ tướng Chính phủ từ trước, nay còn được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chi trả thêm DVMTR bình quân 150.000 đồng/ha/năm. Tính hai khoản cộng lại, gia đình Ama H’Len có mức thu nhập từ nghề rừng 7-8 triệu đồng/năm. Số tiền tuy không lớn, nhưng đó là sự quan tâm, khích lệ kịp thời và có ý nghĩa của Đảng, Nhà nước về chủ trương xã hội hóa nghề rừng trong bối cảnh hiện nay – đó cũng là nguồn tài chính đáng kể giúp các hộ gia đình ở đây gắn bó và có trách nhiệm hơn với diện tích rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ. Giám đốc Vườn quốc gia Cư Yang Sin-Tống Ngọc Chung đánh giá: Trong 4 năm qua (2011-2014), tại các lâm phần có triển khai chính sách chi trả DVMTR, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép đã giảm hẳn. Theo đó môi trường rừng từng bước được cải thiện, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nước của rừng trên địa bàn. Mặt khác, từ kết quả thực hiện Chính sách chi trả DVMTR không những từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, tăng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng… mà còn huy động được nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Theo ông Chung, đến nay số hộ nhận khoán bảo vệ rừng Cư Yang Sin đã tăng dần qua các năm, nếu như năm 2013 là 1.190 hộ thì đến năm 2014 con số này là 1.438 hộ. Lượt người tuần tra rừng cũng tăng đáng kể, từ 950 lượt trước năm 2013 lên hơn 10.640 lượt/ 10 tháng của năm 2014. Nhờ tăng cường công tác tuần tra nên số vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên lâm phần của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã giảm rất nhiều (52 vụ của năm 2013 đến nay chỉ còn 10 vụ).
Nhờ được chi trả DVMTR nên Vườn quốc gia Cư Yang Sin đã đầu tư xây dựng đường tuần tra gần 12 km bằng bê tông phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Cũng nhờ nhận được khoản chi trả DVMTR mà trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Vườn quốc gia Cư Yang Sin đã phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn như: Công an, Hạt kiểm lâm, Quân sự huyện Krông Bông… tổ chức được 114 đợt tuần tra, truy quét dài ngày (4-5 ngày) để đuổi gần 970 đối tượng có hành vi xâm hại rừng ra khỏi rừng, phá hủy 18 lán trại dựng trái phép trong các lâm phần, tạm giữ nhiều phương tiện, công cụ vi phạm, đồng thời ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm khác trên địa bàn. Tương tự, các đơn vị có triển khai Chính sách chi trả DVMTR khác như Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, Lak, Ea H’leo… đều có bước cải thiện đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nổi lên như huyện Krông Bông, đây là một trong những “điểm nóng” về tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép từng diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến nay từng bước được kiềm chế nhờ chính sách trên. Báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho thấy: số vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trước năm 2011 luôn ở con số hàng chục, đến năm 2012 giảm còn 9 vụ với khối lượng gỗ vi phạm gần 38 m3 và năm 2013 chỉ còn 2 vụ với khối lượng gỗ tịch thu chưa đầy 1m3. Bên cạnh đó, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ở đây cũng được ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ. Những năm trước, khi chưa thực hiện Chính sách chi trả DVMTR, tình trạng này diễn ra tràn lan, có thời điểm lên tới cả trăm vụ, đến năm 2013 chỉ còn 64 vụ với diện tích rừng và đất rừng bị xâm hại khoảng 24 ha. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được các chủ rừng siết chặt và quan tâm hơn.
Theo ông Kiều Thanh Hà-Phó Chi cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Dak Lak, đến nay có 22 chủ rừng (là các Công ty Lâm nghiệp và các tổ chức không thuộc Nhà nước), 33 cộng đồng và 6 xã được chi trả DVMTR, với diện tích rừng được nghiệm thu hơn 222.185 ha. Trong đó diện tích rừng được giao khoán cho người dân trong vùng bảo vệ và nhận mức thụ hưởng từ DVMTR (bình quân 150.000 đồng/ha) gần 100.595 ha với 5.190 hộ nhận khoán. Hầu hết các chủ rừng trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách này đã có thêm điều kiện để gia tăng công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, nhất là khi ngân sách Nhà nước phục vụ cho nhiệm vụ quan trọng này còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế… thì đây chính là “chìa khóa” mở ra hướng đi khả quan cho việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy vốn tài nguyên rừng hiện nay.
Đình Đối