Ứng dụng công nghệ số trong chi trả DVMTR tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk

Thứ Sáu, 31-12-2021 / 2:49:05 Sáng
661 Lượt xem

Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến biến phức tạp và để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ số hiện đại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện chi trả DVMTR bắt đầu được triển khai từ năm 2012, là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng, khi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững, tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững cũng như tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ rừng là tổ chức, các đơn vị chủ rừng đã chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. 

Số hóa dữ liệu chi trả DVMTR

Tại tỉnh Đắk Lắk, để duy trì bảo vệ được khoảng 217.658,00 ha rừng chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh (trải dài trên các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột với tổng số 166 chủ rừng, trong đó: có 24 chủ rừng là tổ chức, 13 UBND cấp xã/ phường, 75  hộ gia đình, cá nhân và 54 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng) là hết sức khó khăn. Việc theo dõi, quản lý diện tích được chi trả DVMTR phải được thực hiện khoa học hơn, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu thế thời đại và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo kế hoạch chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 1459/KH-SNN ngày 25/5/2021. 

Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ tỉnh đã chú ý xây dựng và triển khai thực hiện phương án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, số hóa cơ sở dữ liệu về diện tích rừng được chi trả DVMTR, quản lý các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. Hàng năm, Quỹ tỉnh đã tập huấn cho cán bộ UBND xã, phường, cán bộ kiểm lâm địa bàn để triển khai; phấn đấu trong thời gian tới đưa bản đồ cung ứng DVMTR từ bản đồ giấy sang điện thoại di động hoặc thiết bị thông minh đến toàn bộ chủ rừng phục vụ cho việc tuần tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR nhằm giúp triển khai công tác kiểm tra,  giám sát bảo vệ diện tích rừng cung ứng DVMTR nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được thời gian và chi phí. 

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục phát huy và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc như: Phát huy hiệu quả việc xử lý công việc trên Hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử Idesk trong hoạt động của cơ quan; ban hành các quy chế, quy định như Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin… Thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan; trình tự thủ tục, quy trình thanh quyết toán tiền DVMTR; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đã được cụ thể hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Quỹ đồng thời cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Quỹ tỉnh tại địa chỉ http://www.daklakff.vn.

Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, phường, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn góp phần hoàn thành các mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh về việc sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chi trả tiền DVMTR đến hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ

Năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với đơn vị dịch vụ tư vấn có chức năng và các đơn vị chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn có khoán bảo vệ rừng thực hiện các bước mở tài khoản cho các hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ để tiếp nhận tiền DVMTR.

Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản góp phần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp chủ rừng thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Tuy nhiên việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản trên địa bàn tỉnh là thực sự khó thực hiện. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là số tiền DVMTR của nhiều hộ dân nhận được là rất ít.

Trong khi đó, nhiều hộ dân cách xa các điểm rút, nhận tiền, số tiền nhận được thậm chí không đáp ứng được chi phí đi lại. Ngoài ra, tại một số nơi, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, người dân chưa có mạng internet hoặc các mạng di động 3G, 4G để sử dụng các ứng dụng công nghệ số để theo dõi biến động tài khoản. Cùng với đó, nhiều người người dân chưa biết sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, do vậy việc sử dụng tài khoản ngân hàng trong chi trả tiền DVMTR là chưa thực sự phù hợp đối với họ.

Việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong việc đơn giản hóa thủ tục và minh bạch về thông tin. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị cung ứng dịch vụ nào đáp ứng được điều kiện chi trả thực tế tại địa bàn của tỉnh. Do đó, Quỹ tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Quỹ tỉnh chi trả tiền DVMTR năm 2021 cho các đối tượng là hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt, và tiếp tục rà soát các đơn vị trung gian thanh toán khác phù hợp. 

Hiện nay, Quỹ tỉnh đang tổng hợp và tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử đối với các đơn vị chủ rừng cung ứng DVMTR có khoán bảo vệ rừng, đối với các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể thực hiện, sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét hình thức chi trả cho phù hợp với điều kiện thực tế. Do vậy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh vẫn chủ động phối hợp cùng chính quyền các địa phương, Hạt Kiểm lâm các huyện chi trả tiền DVMTR trực tiếp đến người dân đồng thời thông qua đó lồng ghép công tác tuyên truyền bảo vệ rừng; việc chi trả tiền DVMTR được kiểm tra giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Sơn Tùng – Phòng Truyền Thông